|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch tả heo châu Phi bùng lên tứ phía tại Trung Quốc

07:25 | 15/03/2021
Chia sẻ
Dịch tả heo châu Phi vẫn là một "rủi ro lớn" cho ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc. Tuần này, Bắc Kinh đã buộc phải tăng cường kiểm soát đợt bùng phát mới của dịch ở trong và ngoài nước.

Dịch tả heo châu Phi bùng lên tứ phía

Dịch tả heo châu Phi (ASF) tái bùng phát có thể đe dọa kế hoạch tái đàn của Trung Quốc, đồng thời gây lo ngại về an ninh lương thực và khả năng lạm phát tiêu dùng tăng cao. Trước mối lo đó, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt heo và mạnh tay xử lý vắc xin ngừa ASF giả.

Tuần này, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết: "Tại thời điểm hiện tại, dịch ASF vẫn là một rủi ro lớn ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi heo của nước ta".

"Cho đến nay, chưa nước nào trên thế giới phê chuẩn sử dụng vắc xin ngừa ASF. Các vắc xin đang được sử dụng mà không được phê duyệt thông qua một quy trình nghiêm ngặt đều là giả, tiềm ẩn rủi ro lớn", Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc nhấn mạnh.

Dịch ASF xuất hiện lần đầu tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, vào năm 2018. Trung Quốc phải tiêu hủy hơn nửa đàn heo trong nước, gây ra tình trạng thiếu hụt thịt heo nghiêm trọng và khiến giá thực phẩm tăng chóng mặt trong hơn hai năm qua.

Dịch tả heo châu Phi bùng lên tứ phía, Trung Quốc chưa thể lơi là - Ảnh 1.

Công dân đang vệ sinh chuồng trại chăn nuôi heo. (Ảnh: EPA-EFE).

Đầu tuần này, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu toàn bộ heo thịt, heo đực và các sản phẩm liên quan đến heo từ Malaysia sau khi đất nước Đông Nam Á phát hiện đợt bùng phát mới vào tháng trước.

Theo Tổ chức Thú y Thế giới, tính đến ngày 26/2, 5 đợt bùng phát mới tại Malaysia đã giết chết 5 con heo đực và 303 con heo thịt. Ngoài ra, trong hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam phải tiêu hủy khoảng 2.000 con heo vì các đợt bùng phát nhỏ lẻ của dịch ASF.

Ngày 9/3, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã xác nhận đợt bùng phát mới nhất sau khi 2 trong số 10 con heo giống đang được vận chuyển trên một chiếc xe tải không giấy phép ở thành phố Huaying (tỉnh Tứ Xuyên) chết vì nhiễm ASF.

Dù chính phủ tuyên bố dịch ASF đã chính thức được kiểm soát, Trung Quốc vẫn báo cáo tổng cộng 4 trường hợp heo giống chết trong một tuần và 6 trường hợp kể từ đầu năm 2021.

Tuy nhiên, giới phân tích cho biết các đợt bùng phát mới tại Trung Quốc có thể chỉ là bùng phát bình thường theo mùa, tức là tác động lên nguồn cung khá hạn chế và xu hướng giá thịt heo giảm nhiệt trong năm nay là không thay đổi.

"Nguy cơ bùng phát chưa chấm dứt. Các biện pháp phòng chống và kiểm soát cũng như an toàn sinh học vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, chúng tôi không thể lơ là", ông Wang Zuli - chuyên gia tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc kiêm cố vấn của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, nhấn mạnh.

Vắc xin ngừa ASF giả

Theo South China Morning Post, đầu tháng 3, các nhà khoa học Trung Quốc cũng xác nhận sự xuất hiện của một chủng virus ASF mới. Chủng này không gây hại nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cao.

Cũng trong ngày 9/3, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã kêu gọi các cơ quan liên quan nỗ lực điều tra chủng virus ASF mới, dù bộ này không cho biết liệu đợt bùng phát mới có liên quan đến việc sử dụng vắc xin chưa được cấp phép hay không.

Ông Feng Yonghui, nhà phân tích trưởng tại cổng thông tin ngành chăn nuôi heo Soozhu.com, cho hay: "Thời gian trước từng xảy ra tình trạng nông dân sử dụng vắc xin giả không được chính phủ cấp phép".

"Sử dụng vắc xin giả sẽ gây tác động xấu đến toàn bộ ngành chăn nuôi heo, đặc biệt là với nỗ lực phục hồi sản lượng heo hơi. Hơn nữa, vắc xin giả còn có thể gây hại đến sự ổn định của nguồn cung thịt heo và giá thịt heo. Thiệt hại thường diễn ra theo hiệu ứng dây chuyền", ông Feng nhấn mạnh.

Nỗi lo lạm phát tiêu dùng

Các nhà phân tích còn bày tỏ lo ngại rằng nguy cơ dịch ASF tái bùng phát mạnh có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Chen Xing - trưởng nhóm phân tích kinh tế vĩ mô của Viện Zhongtai Securities, nhận định: "Nếu ảnh hưởng của đợt bùng phát nghiêm trọng hơn, cán cân cung - cầu có thể biến động đáng kể. Do đó, chính phủ cần chú ý đến rủi ro chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh".

Dịch tả heo châu Phi bùng lên tứ phía, Trung Quốc chưa thể lơi là - Ảnh 2.

So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số CPI của Trung Quốc trong tháng 2 năm nay đã giảm xuống âm 0,2%. Trong tháng đầu năm 2021, chỉ số CPI giảm còn âm 0,3%.

Trong rổ CPI tháng 2, giá thực phẩm giảm 0,2% - thay đổi lớn so với mức tăng 1,6% của tháng 1; giá thịt heo lao dốc 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 2 năm ngoái, chỉ số CPI của Trung Quốc tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước đó do giá thịt heo tăng vọt 135,2%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Liu Huanxin xác nhận trong năm 2020, đất nước tỷ dân đã tiêu hủy khoảng 14.000 con heo do ảnh hưởng của dịch ASF. Con số này thấp hơn nhiều so với 390.000 con bị tiêu hủy trong năm 2019 và 800.000 con của năm 2018.

Khả Nhân

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.