|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kiều hối (Remittances) là gì? Tại sao lại có Kiều hối?

10:42 | 30/10/2019
Chia sẻ
Kiều hối (tiếng Anh: Remittances) là một nguồn thu nhập, và đồng thời là nguồn đầu tư triển vọng cho quốc gia trong thời kì hội nhập và đang cần nguồn lực phát triển.
Hiểu rõ hơn về Kiều hối (Remittances). Tại sao lại có Kiều hối? - Ảnh 1.

Kiều hối (Hình: The Himalayan Times)

Kiều hối (Remittances)

Khái niệm

Kiều hối trong tiếng Anh là Remittances.

Kiều hối là sự di chuyển tiền bạc từ những người đang sống và lao động ở nước ngoài đến thân nhân của họ ở quê hương.

Theo World Bank (WB): "Kiều hối là các khoản tiền chuyển từ nước ngoài có nguồn gốc là thu nhập của người lao động và dân di cư ở nước ngoài".

Theo định nghĩa về kiều hối của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), "kiều hối là hàng hoá và các công cụ tài chính do người lao động sống và làm việc ở nước ngoài từ một năm trở lên chuyển về đất nước của họ".

Theo quyết định 170/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 19/8/1999 có giải thích định nghĩa về kiều hối: "Kiều hối là các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi được chuyển vào Việt Nam theo các hình thức sau:

- Chuyển ngoại tệ thông qua các tổ chức tín dụng được phép

- Chuyển ngoại tệ thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế.

- Cá nhân mang ngoại tệ theo người Việt Nam. Cá nhân khi nhập cảnh vào Việt Nam có mang theo ngoại tệ hộ cho người Việt Nam phải kê khai với Hải quan cửa khẩu số ngoại tệ mang hộ từ nước ngoài gửi về cho người thụ hưởng ở trong nước".

Xuất phát của các khoản kiều hối

Những người lao động xa xứ hoặc người sống ở nước ngoài thường quan tâm tới cuộc sống của người thân ở quê nhà, do đó, họ thường hỗ trợ thân nhân từ xa bằng một khoản kiều hối trợ cấp.

Trong trường hợp kiều bào được tài trợ để đi nước ngoài, thì các khoản kiều hối chuyển về là để thanh toán các khoản nợ.

Thứ hai là xuất phát từ lợi ích cá nhân. Những người di cư làm ăn thành công sẽ có những ý định đầu tư. Kiều hối là một hình thức đầu tư giúp các kiều bào tham gia vào các lĩnh vực sinh lời như bất động sản, công nghệ, các tài sản tài chính,... trong nước.

Mở rộng hơn, động cơ của các khoản kiều hối có thể là nhằm mục đích bảo hiểm, giảm thiểu những rủi ro do thị trường tài chính không hoàn hảo tại nước ngoài. Với bối cảnh tình hình thế giới phức tạp như hiện nay, các cuộc khủng hoảng về chính trị hay kinh tế có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Việc một quốc gia có nền chính trị ổn định và nền kinh tế lành mạnh như Việt Nam luôn nhận được dòng kiều hối cao và ổn định qua các năm là điều dễ hiểu. Kiều hối của Việt Nam tăng liên tục trong vòng 9 năm qua, trong đó năm 2018 vừa rồi đạt mốc 15,9 tỷ USD.

(Theo Giáo trình Kinh tế Đầu tư, ĐH Kinh tế Quốc dânWorld Bank)