Kiểm tra vật chất trong thu thập bằng chứng kiểm toán là gì?
Hình minh hoạ (Nguồn: intheblack)
Kiểm tra vật chất trong thu thập bằng chứng kiểm toán
Khái niệm
Kiểm tra trong tiếng Anh được gọi là Inspection.
Kiểm tra vật chất là quá trình kiểm kê tại chỗ hay tham gia kiểm kê các loại tài sản mang hình thái vật chất của doanh nghiệp.
Kiểm tra vật chất là một trong các kĩ thuật thường được sử dụng trong việc thu thập bằng chứng kiểm toán.
Theo Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 500, bằng chứng kiểm toán là tất cả các tài liệu, thông tin xác thực mà các kiểm toán viên thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán và dựa trên các thông tin này kiểm toán viên hình thành nên ý kiến của mình.
Bằng chứng kiểm toán có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng quyết định tới thành công của cuộc kiểm toán.
Đối với một số tổ chức kiểm toán như kiểm toán độc lập và kiểm toán Nhà nước, bằng chứng kiểm toán còn là cơ sở để giám sát chất lượng hoạt động của các kiểm toán viên trong thực hiện kiểm toán.
Bằng chứng là cơ sở để minh chứng cho báo cáo kiểm toán do đó có những đòi hỏi bắt buộc đối với bằng chứng kiểm toán.
Ưu điểm và hạn chế của kĩ thuật
- Ưu điểm
Ưu điểm của kĩ thuật kiểm kê là cung cấp bằng chứng có độ tin cậy cao nhất vì kiểm kê là quá trình xác minh sự hiện hữu của tài sản, mang tính khách quan do chính kiểm toán viên thực hiện hoặc chứng kiến.
Hơn nữa cách thực hiện kĩ thuật này đơn giản, phù hợp với chức năng xác minh của kiểm toán. Kĩ thuật này chỉ gồm các thao tác đơn giản như cân, đo, đong, đếm... hoặc chứng kiến các thao tác này.
Tuy nhiên, cần lưu ý với kiểm toán viên là không nhất thiết phải kiểm kê hoặc chứng kiến kiểm kê đối với toàn bộ hàng tồn kho, tiền hay tài sản cố định mà có thể lấy mẫu kiểm kê.
- Hạn chế
Phương pháp kĩ thuật kiểm kê vật chất có nhiều ưu điểm song bao giờ cũng có những hạn chế nhất định:
- Đối với một số tài sản cố định như đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị hoặc hàng tồn kho... kĩ thuật kiểm kê chỉ cung cấp thông tin minh chứng về sự tồn tại của tài sản nhưng không cung cấp thông tin về quyền sở hữu của đơn vị đối với tài sản đó; hoặc tài sản có thể hiện hữu nhưng lại là tài sản thuê ngoài, tài sản tạm vay, hay đã đem thế chấp...
- Kĩ thuật này chỉ cho biết sự tồn tại thực tế về số lượng, còn chất lượng, tình trạng kĩ thuật, phương pháp đánh giá đúng hay sai thì chưa thể hiện.
- Nếu tài sản có qui mô lớn, đa dạng về chủng loại mẫu mã việc thực hiện kĩ thuật này sẽ tương đối mất thời gian và kinh phí.
Chính vì vậy, kĩ thuật này thường không được thực hiện đơn lẻ mà phải kết hợp với các kĩ thuật khác để tăng hiệu quả của kiểm toán.
(Tài liệu tham khảo: Qui trình kiểm toán báo cáo tài chính, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)