|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kiểm tra tài liệu trong thu thập bằng chứng kiểm toán là gì?

15:29 | 10/09/2019
Chia sẻ
Kiểm tra tài liệu là quá trình xem xét, kiểm tra, đối chiếu các chứng từ sổ sách có liên quan sẵn có trong đơn vị.
documents

Hình minh hoạ (Nguồn: sciblogs)

Kiểm tra tài liệu trong thu thập bằng chứng kiểm toán

Khái niệm

Kiểm tra trong tiếng Anh được gọi là Inspection.

Kiểm tra tài liệu là một trong các kĩ thuật thường được sử dụng trong việc thu thập bằng chứng kiểm toán.

Kiểm tra tài liệu là quá trình xem xét, kiểm tra, đối chiếu các chứng từ sổ sách có liên quan sẵn có trong đơn vị.

Các chứng từ, sổ sách có thể là hoá đơn bán hàng, phiếu nhập kho, xuất kho, hoá đơn vận tải, sổ kế toán chi tiết, sổ cái, các bảng tổng hợp chi phí, bảng kê ... 

Cách tiến hành

Số lượng các chứng từ, sổ sách của các doanh nghiệp thường tương đối lớn và đa dạng, kiểm toán viên cần định hướng kiểm tra tài liệu.

Định hướng kiểm tra tài liệu chính là quá trình xác định các mục tiêu kiểm toán gắn với từng khoản mục nghiệp vụ hoặc phần hành. Tùy theo từng mục tiêu mà kiểm toán viên sẽ triển khai kiểm tra tài liệu theo các hướng khác nhau.

Chung nhất, phương pháp này thường được tiến hành theo hai cách:

- Từ một kết luận có trước, kiểm toán viên thu thập tài liệu làm cơ sở cho kết luận cần khẳng định.

Ví dụ: kiểm toán viên kiểm tra các tài liệu, hồ sơ pháp lí về quyền định đoạt lâu dài đối với tài sản cố định thuê hoạt động.

- Kiểm tra các tài liệu của một nghiệp vụ từ khi phát sinh đến khi vào sổ sách

Quá trình này có thể tiến hành theo hai hướng:

+ Từ chứng từ gốc lên sổ sách: khi muốn chứng minh rằng nghiệp vụ phát sinh đã được ghi sổ đầy đủ tương ứng với mục tiêu trọn vẹn. 

Cách kiểm tra này thường gắn với những khoản mục nghiệp vụ có xu hướng bị bỏ sót như khoản mục thuế giá trị gia tăng phải nộp, các khoản thu tiền mặt...

+ Từ sổ sách kiểm tra ngược về chứng từ gốc: khi muốn thu thập bằng chứng về tính có thật của mọi nghiệp vụ được ghi sổ. 

Cách kiểm tra này thường gắn với những khoản mục nghiệp vụ mà có khả năng bị khai khống như thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, các khoản chi tiền mặt...

Ưu điểm và nhược điểm

- Ưu điểm

Kĩ thuật này tương đối thuận tiện cho kiểm toán viên do tài liệu thường là có sẵn, chi phí để thu thập bằng chứng cũng ít hơn các kĩ thuật khác.

- Nhược điểm

Kiểm tra tài liệu cũng có những hạn chế nhất định. Độ tin cậy của tài liệu minh chứng phụ thuộc vào nguồn gốc của bằng chứng (hay sự độc lập của tài liệu so với đơn vị được kiểm toán) mà các tài liệu này lại phần lớn có nguồn gốc từ khách thể kiểm toán.

Chính vì thế sẽ có khả năng lớn là các tài liệu cung cấp có thể đã bị sửa chữa, giả mạo làm mất tính khách quan nên cần có sự kiểm tra, xác minh bằng các phương pháp kĩ thuật khác.

(Tài liệu tham khảo: Qui trình kiểm toán báo cáo tài chính, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)

Diệu Nhi