|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, doanh nghiệp Việt Nam cũng mang lắm nỗi 'tơ vò'

14:11 | 26/06/2019
Chia sẻ
Nhiều dữ liệu kinh tế cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang đặc biệt hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, lợi ích lớn cũng song hành cùng những lo lắng không nguôi.
1

Công nhân nhà máy may tại Việt Nam (Ảnh: Reuters)

Doanh nghiệp dệt may thầm cảm ơn ông Trump và sắp tăng gấp đôi nhân viên lên con số 1.000

Ông Nguyễn Hữu Phúc, người điều hành một công ty tiếp thị dệt may nhỏ ở TP HCM, hồi tưởng lại cảm giác thất vọng khi Tổng thống Donald Trump kí lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017. Tuy nhiên, ông Phúc lại thầm biết ơn ông Trump sau hai năm.

Theo Financial Times, phân xưởng sản xuất hàng may mặc của ông Phúc có kế hoạch tăng gấp đôi nhân viên lên hơn 1.000 vào cuối năm nay, vì nhu cầu đối với áo sơ mi, quần tây, quần áo ngủ và các sản phẩm khác tăng lên.

Ông Nguyễn Hữu Phúc cảm ơn Tổng thống Trump vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang mang lại lợi ích cho Việt Nam nhiều hơn bất kì quốc gia nào khác tại châu Á. Nhiều nhà sản xuất, khách hàng và nhà đầu tư đang chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

"Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đem đến nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam, bên cạnh Đài Loan, Hàn Quốc, Myanmar, Laos, Campuchia và Bangladesh (các quốc gia thành thạo ngành dệt may)", ông Phúc nói. "Đó là lí do tại sao chúng tôi đang đầu tư rất tích cực".

Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) nhận định hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ đã tăng gần 40% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kì năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong số 40 nhà nhập khẩu hàng đầu của Mỹ.

Trong cùng kì, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ giảm 13%, mức giảm lớn thứ hai kể từ năm 2009.

1

Nguồn: USITC

Doanh nghiệp Trung Quốc và thế giới đổ sang Việt Nam tìm nguồn sản phẩm thay thế

Công cuộc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đang thúc đẩy doanh số tại các nhà sản xuất và cung ứng Việt Nam, không chỉ thuộc ngành dệt may mà còn liên quan đến các lĩnh vực khác như hải sản, chất bán dẫn. Đặc biệt, những ngành Mỹ đánh thuế quan lên Trung Quốc lại giúp Việt Nam thu lợi nhiều nhất.

Trong quí I/2019, điện thoại di động nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng gấp đôi so với cùng kì năm trước, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 27%, theo dữ liệu của USITC. Trong cùng giai đoạn này, máy tính nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng 79%, trái ngược với mức sụt giảm 13% của Trung Quốc.

2

Hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ đã tăng gần 40% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kì năm ngoái, trong khi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ giảm 13%. (Nguồn: USITC)

"Hiện nay, tôi nhận thấy nhiều khách hàng từ Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đang tìm kiếm nguồn thay thế từ Việt Nam và các nước khác như Campuchia", ông Vũ Ngọc Khiêm, Đại diện khu vực Việt Nam của Global Sources, cho hay. Global Sources là một doanh nghiệp nhắm mục tiêu liên kết nhà cung cấp toàn cầu với khách hàng.

Các nhà bán lẻ Mỹ và châu Âu (gồm Home Depot, Target, Zara và OBI) cũng xúc tiến hoạt động mua hàng tại Việt Nam. Phạm vi sản phẩm trải dài từ túi xách, hàng may mặc, giày dép đến thép và nhôm.

Minh Phú Seafood là một ví dụ điển hình về doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam như Minh Phú Seafood (nhà sản xuất tôm lớn nhất Việt Nam), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra nhiều cơ hội để họ mở rộng kinh doanh, ông Lê Văn Quang, nhà sáng lập kiêm CEO Minh Phú Seafood, cho hay.

Mặc dù đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc của Minh Phú Seafood từng nhập khẩu sản phẩm thô từ Việt Nam và Ấn Độ để chế biến trong nước và xuất sang Mỹ, họ đã dừng hoạt động này kể từ thuế quan của Tổng thống Trump gây ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Cá nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng hơn 40% trong quí I/2019 trong khi lượng xuất khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc sang Mỹ giảm, theo USITC.

Việt Nam đặc biệt hưởng lợi vì doanh nghiệp trong nước bán nhiều sản phẩm thuộc danh sách hàng hóa bị áp thuế quan.

"Việt Nam là nước nằm ngoài vòng xoáy thuế quan, do đó nước này mới có thể bán nhiều sản phẩm tương tự, vốn đang phải chịu thuế ở Trung Quốc", ông Yasuyuki Sawada, nhà kinh tế trưởng tại Asian Development Bank (ADB), nhận định.

ADB ước tính rằng GDP của Việt Nam sẽ tích lũy thêm 2% trong ba năm nếu tranh chấp thương mại leo thang hơn nữa.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy một xu hướng mới, trong đó một số công ty từ Trung Quốc, Mỹ và các nước khác thành lập nhà máy ở Việt Nam để thoát khỏi tình trạng lương nhân công tăng, thiếu lao động và qui định môi trường nghiêm ngặt ở những nơi khác.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã đạt mức kỉ lục 18 tỉ USD vào năm ngoái, tăng gần 20 điểm phần trăm lên 58% GDP (cao hơn phần lớn quốc gia Đông Nam Á khác).

"Ngày càng có nhiều khách hàng nước ngoài tìm đến Việt Nam, nhu cầu đang ổn định hơn", ông Quách Kiên Lân, Giám đốc Greenyarn, chia sẻ. Greenyarn là một cơ sở sản xuất vải của Việt Nam, hiện nhận về nhiều đơn hàng hơn vì thuế quan Mỹ áp lên hàng dệt may Trung Quốc tăng cao.

Dù đang thắng thế, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn "canh cánh" về diễn biến chiến tranh thương mại

Tuy nhiên, các nhà sản xuất và hoạch định chính sách Việt Nam không xem cuộc chiến thương mại là chuỗi chiến thắng không có hồi kết.

Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của Washington do thặng dư thương mại với Mỹ tăng. Cụ thể, thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng 43% trong quí I/2019, chỉ xếp sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản và Đức. Vào cuối tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã suýt bị coi là nước thao túng tiền tệ bởi Bộ Tài chính Mỹ.

1

Thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam (Nguồn: USITC)

Trong khi đó, một số nhà xuất khẩu cũng đang tìm cách tận dụng Việt Nam như một nơi trú ẩn an toàn bằng cách dán nhãn hàng hóa Trung Quốc là hàng "Made in Vietnam" (Sản xuất tại Việt Nam). Cơ quan hải quan Việt Nam đã tuyên bố vào đầu tháng này rằng họ sẽ trấn áp tình trạng này.

Cân bằng quan hệ với hai cường quốc hàng đầu thế giới là mối bận tâm của các nhà sản xuất Việt Nam bởi họ đang lo ngại về tính chất khó lường của cuộc chiến thương mại và Tổng thống Trump.

Ông Quách Kiên Lân cho biết sự dịch chuyển hiện tại có thể là một thách thức thay vì lợi thế, bởi các doanh nghiệp như của chính ông đang đầu tư vào nhà máy hoặc cổ phiếu mà không biết rõ khi nào hoặc bằng cách nào tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được giải quyết.

"Chiến tranh thương mại có thể kết thúc vào cuối năm nay, hoặc tiếp tục kéo dài", ông nói. "Và khi nó kết thúc, chuyện gì sẽ xảy ra? Việt Nam và Mỹ không có thỏa thuận thương mại nào. Chuyện gì sẽ xảy ra với Việt Nam?"

"Chúng tôi đang lo sợ về cuộc chiến tranh thương mại này. Nó sẽ kéo dài trong bao lâu nữa?"

Yên Khê