|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Minh Phú lên kế hoạch dùng 145 triệu USD để nâng công suất nhà máy lên 200.000 tấn

18:16 | 12/06/2019
Chia sẻ
Minh Phú có kế hoạch sử dụng gần như toàn bộ 150 triệu USD từ phát hành cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản Mitsui & Co. vào tháng 5 để tăng công suất xử lí thông qua việc xây dựng thêm 3 nhà máy mới.
IMG_5127

(Nguồn: MPC)

Theo bản báo cáo đầu tư tháng 5/2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) có kế hoạch đầy tham vọng trong vài năm tới để thu hút tài trợ trong những tháng gần đây, Undercurrent News cho hay.

Bản báo cáo cho thấy công ty kế hoạch sử dụng gần như toàn bộ 150 triệu USD mà Mitsui & Co. rót vào để tăng công suất xử lí. Mục tiêu tổng thể là nhằm đưa công suất từ 76.000 tấn lên 200.000 tấn vào năm 2025 thông qua việc xây dựng 3 nhà máy mới.

Kế hoạch này nằm trong quá trình đầu tư dài hạn của Minh Phú. Những tiết lộ về kế hoạch này được đưa ra khi Minh Phú bị cáo buộc bởi một Nghị sĩ Mỹ, đang kêu gọi Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) điều tra việc Minh Phú có hành vi trốn thuế chống bán phá giá của Mỹ hay không.

Để đáp ứng nhu cầu tôm ngày càng tăng trên toàn cầu, Minh Phú đã lên các kế hoạch mở rộng chế biến trong 10 năm tới, thành lập nhà máy mới ở hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.

Mỗi nhà máy mới sẽ có công suất xử lí 40.000 tấn. Nhà máy đầu tiên, Minh Qui, có trụ sở tại Cà Mau, sẽ hoàn thành và vận hành vào năm 2020.

Sau đó, Nhà máy phức hợp Kiên Giang I sẽ được vận hành trong năm 2022 và bắt đầu hoạt động với công suất 20.000 tấn. Minh Phú mong muốn nhà máy này sẽ đạt được công suất gấp đôi trong năm sau.

Kiên Giang II sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2025 với công suất ban đầu ở mức 40.000 tấn.

proc

Kế hoạch đầu tư và dự báo công suất các nhà máy của Minh Phú. Nguồn: Undercurrent News

Về đầu tư, Minh Phú chi 13,2 triệu USD vào nhà máy Minh Qui trong năm 2018 và dự kiến chi thêm 38,5 triệu USD vào năm 2019.

Công ty có kế hoạch đầu tư 24,5 triệu USD vào nhà máy Kiên Giang I trong năm 2021 và 24 triệu USD vào năm 2022.

Đối với Kiên Giang II, Minh Phú đầu tư 22,9 triệu USD vào năm 2024 và khoản đầu tư cuối cùng là 22,4 triệu USD vào năm 2025.

Các cơ sở mới sẽ được tài trợ thông qua việc bơm vốn cổ phần mới và tài trợ bằng nợ theo tỉ lệ 50:50.

Minh Phú dự kiến việc hoàn thành mở rộng quá trình phân chia xử lí sẽ đóng góp 1,39 tỉ USD vào doanh thu năm 2026. Điều này sẽ giúp đưa tổng doanh thu của công ty từ 801 triệu USD vào năm 2018 lên 2,6 tỉ USD.

Đây cũng là yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng hữu cơ trị giá 418 triệu USD.

Công ty ước tính kế hoạch mở rộng phân chia xử lí sẽ mang lại thêm 118 triệu USD thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) năm 2026. Điều này có nghĩa là tổng EBITDA ước tính vào năm 2026 là 369 triệu USD, gồm 47 triệu USD từ sự tăng trưởng hữu cơ và 114 triệu USD thông qua các kế hoạch tích hợp dọc.

Tổng EBITDA năm 2018 của công ty đạt 62 triệu USD gồm các hoạt động kinh doanh nông nghiệp.

Mitsui có vai trò gì tại Minh Phú?

Chia sẻ với Undercurrent, Mitsui cho biết ngoài mua cổ phần Minh Phú, họ sẽ hợp tác với các công ty liên kết, văn phòng và các đối tác kinh doanh nước ngoài để đóng góp tăng trưởng doanh số, thúc đẩy mạng lưới bán hàng và phân phối thủy sản trên toàn cầu.

Mitsui lên kế hoạch tăng cường quản trị, nâng cao hiệu quả quản lí, nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường khả năng tiếp thị trên toàn bộ nhóm ngành.

Bản báo cáo cho thấy Minh Phú kế hoạch tối đa hóa hiệu quả xử lí thông qua công nghệ mới và tự động hóa.

Trong đó, mặt tự động hóa sẽ giới thiệu thêm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên các dây chuyền sản xuất để giảm chi phí chung, tăng cường áp dụng công nghệ cao để cung cấp nguồn nguyên liệu thô sạch, cạnh tranh mang lại lợi nhuận cao có giá trị bền vững.

Công ty hi vọng tỉ lệ lao động/sản xuất sẽ thấp hơn với sự tự động hóa gia tăng trong các đơn vị chế biến.

Hai nhà máy chế biến hiện ghi nhận chi phí hằng năm cho mỗi lao động tương ứng khoảng 3.300 USD và 4.000 USD với tỉ lệ năng suất hàng năm trên mỗi lao động lần lượt là 4,5 tấn và 5,6 tấn. Minh Phú hi vọng sẽ cải thiện biên lợi nhuận EBITDA lên 1,3% vào năm 2026 bằng cách tăng tỉ lệ tự động hóa.

Minh Phú tin rằng có thể giảm chi phí lao động khi tỉ lệ phần trăm doanh thu giảm 1,3%, từ 5,7% trong năm 2018 xuống còn 4,4% vào năm 2026.

Về công nghệ mới, Minh Phú có kế hoạch cải thiện chất lượng tôm giống, phương pháp canh tác cho nông dân để tăng năng suất, giảm tác động từ các bệnh tiềm ẩn; đồng thời tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến để tăng năng suất nhằm giảm chi phí sản xuất chung cho nông dân.

Kêu gọi Mỹ vào cuộc điều tra 

Ngày 12/5 một nghị sĩ người Mỹ, Darin LaHood báo cáo lên CBP yêu cầu điều tra về việc Minh Phú có trốn thuế chống bán phá giá của Mỹ hay không.

Ông LaHood tuyên bố rằng Minh Phú đã nhập khẩu một khối lượng lớn tôm đông lạnh Ấn Độ, chế biến trong nước và bán sang Mỹ thông qua chi nhánh nhập khẩu tại Mỹ, Mseafood.

Đáp lại lời cáo buộc, vào ngày 6/6 Minh Phú khẳng định rằng mọi cuộc điều tra của CBP sẽ đưa ra bằng chứng công ty không vi phạm bất kì luật pháp nào của Mỹ.

"Công ty chúng tôi không nhập khẩu tôm Ấn Độ với mục đích trốn thuế chống bán phá giá ở Mỹ mà là để đáp ứng nhu cầu tôm chế biến ở các thị trường khác ngoài Mỹ và duy trì sự ổn định việc làm trong thời kì thiếu hụt ở Việt Nam", đại diện Minh Phú khẳng định.

Linh Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.