|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Áp dụng công nghệ mới giúp giảm giá nuôi 30-50%, 'vua tôm' Minh Phú đặt mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục

14:41 | 17/04/2024
Chia sẻ
Sau năm thua lỗ kỷ lục, 'Vua tôm' Minh Phú lên kế hoạch lợi nhuận trên nghìn tỷ năm nay.

Trong thông điệp Chủ tịch HĐQT ở báo cáo thường niên 2023 của CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Mã: MPC), tập đoàn đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên vật liệu Việt Nam bằng với Ecuador.

Để hiện thực hoá, Minh Phú dự kiến hoàn thiện và đẩy mạnh sản xuất tôm giống và nuôi tôm theo công nghệ sinh học MPBiO. Phấn đầu đến 2035, doanh nghiệp sẽ sản xuất được 15 tỷ POST và tự nuôi tôm được 50% nhu cầu tôm nguyên liệu của Minh Phú.

Năm 2024 Minh Phú đặt ra kế hoạch sản xuất và xuất khẩu được 56.000 tấn tôm với giá trị xuất khẩu 630 triệu USD. Phấn đấu chế biến và xuất khẩu được 70.000 tấn với giá trị xuất khẩu 720 triệu USD.

Kế hoạch doanh thu năm nay là 15.806 tỷ, tăng 45% so với năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 1.021,5 tỷ đồng, năm ngoái tập đoàn lỗ kỷ lục 105 tỷ đồng. Nếu đạt được thì đây sẽ là con số lợi nhuận cao kỷ lục của công ty.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2024.

HĐQT đặt mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín từ khâu lai tạo con giống cho đến khâu xuất khẩu, phân phối tại các thị trường.

Minh Phú sẽ triển khai các dự án lớn nhằm xây dựng các vùng nuôi tập trung như tôm rừng, tôm quảng canh, tôm siêu thâm canh công nghệ cao và tôm lúa theo phương thức liên kết hợp tác với đầy đủ cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước, dịch vụ kỹ thuật.

Trong đó có khu phức hợp chế biến tôm cùng công nghiệp phụ trợ nằm ở gần vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu và giảm chi phí muối ướp, vận chuyển cũng như giảm hao hụt sau thu hoạch.

Mô hình sản xuất đặc thù và chuyên môn hoá cao, bao gồm tất cả các thành phần của chuỗi như nghiên cứu - phát triển con giống, nuôi trồng, chế biến, xử lý phụ phẩm và thương mại. Đặc biệt, từng mắt xích sẽ được đồng bộ về công suất để đảm bảo cân bằng cung cầu.

Song song đó, Minh Phú cho biết đã và đang phối hợp với Vụ Khoa Học và Công Nghệ của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các Viện nghiên cứu thủy sản để tập trung gia hóa tôm sú giống kháng bệnh và thích nghi, năng suất cao, giúp tăng thị phần tôm sú từ 20% hiện nay lên đến 50% và cao hơn nữa.

Nói về năm qua, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc cho biết đầu năm 2023 biến chủng của bệnh EMS bùng phát chưa qua thì bệnh EHP và bệnh TPD lại ập tới giáng một đòn mạnh cho ngành tôm Việt Nam mà trong đó Minh Phú không nằm ngoài.

Vì thế giá thành nuôi tôm Việt Nam đã cao lại càng cao hơn. Trong khi đó nuôi tôm của Ecuador lại tăng trưởng đạt 1,4 triệu tấn trong năm 2023 làm nguồn cung tôm toàn cầu vượt nhu cầu khiến giá tôm giảm mạnh chỉ bằng 50% của giá thành nuôi. Vì thế tình hình sản xuất kinh doanh của Minh Phú gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến kết quả kinh doanh bị lỗ trên trăm tỷ.

Doanh nghiệp thông tin đã rà soát lại hơn 50 công nghệ nuôi tôm tiến tiến của thế giới mà Minh Phú đã nuôi thử nghiệm để kết hợp thành công nghệ nuôi tôm sinh học MPBiO.

Ở công nghệ này hoàn toàn không dùng Clorine để xử lý nước đầu vào mà hoàn toàn dùng sinh học/vi sinh đối kháng để ức chế bệnh tôm cũng như dùng vi sinh để làm sạch nước ao tôm cũng như làm sạch đáy ao tôm và như vậy không phải thay nước mà chỉ bổ sung nước thất thoát khoảng 10% giúp giảm chi phi hóa chất xử lý nước trên 95%, chi phí điện giảm 50-70%, chi phí thức ăn tôm giảm trên 30%,...

Từ đó giúp giảm giá thành nuôi được 30-50%. Từ tháng 8/2023 đến tháng 1/2024 Minh Phú cho hay đã nuôi thử nghiệm công nghệ MPBiO này ở 470 ao nuôi tôm MPLA và đạt được kết quả khá tốt. Đồng thời Minh Phú sẽ hướng dẫn các hộ nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long chuyển sang công nghệ nuôi tôm MPBiO.

HK

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.