|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Sao Ta: Ngành tôm năm 2024 gặp nhiều thách thức

09:57 | 09/04/2024
Chia sẻ
Ngành tôm năm 2024 đang trong hoàn cảnh gặp nhiều biến động bất ngờ như phía nguyên đơn từ Mỹ khởi kiện chống trợ cấp (CVD) lên ngành tôm Việt, trong khi đó giá thành tôm Việt lại quá cao, kém cạnh tranh hơn so với tôm Ecuador và tôm Ấn Độ.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây dẫn nhận định của TS. Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho rằng ngành tôm năm 2024 chịu nhiều biến động bất ngờ.  

Về chủ quan, theo Chủ tịch Sao Ta, phía nguyên đơn từ Mỹ khởi kiện chống trợ cấp (CVD) lên ngành tôm Việt Nam vào cuối năm ngoái. Hồi cuối tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố mức thuế sơ bộ vụ kiện này là 2,84%.

"Mức thuế này thấp hơn so mức thuế tương ứng từ ngành tôm Ấn Độ và Ecuador nhưng lại là lực cản không nhỏ, vì lâm vào vụ kiện tranh chấp thương mại ở Mỹ là vướng vào một tình huống phức tạp và khả năng kéo dài và rủi ro vô chừng.

Tuy nhiên, chúng ta còn chút niềm tin khi tới đây DOC qua Việt Nam phúc thẩm, nếu mức thuế này giảm dưới 2% thì vụ kiện có thể bị hủy bỏ. Nếu ngược lại, thì lối dẫn tôm Việt vào đây càng thu hẹp",  TS. Hồ Quốc Lực nói. 

Ngoài ra, một bất lợi chủ quan nữa, theo ông Lực, là giá thành tôm Việt Nam quá cao, một phần do tỷ lệ nuôi thành công của tôm Việt quá thấp. Nguyên nhân nằm ở chất lượng tôm giống, quy trình nuôi, quy mô nuôi nhỏ lẻ đầy bất lợi, người nuôi thiếu vốn trầm trọng.

Bên cạnh đó, việc nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch khiến thủy lợi và các nền tảng hạ tầng khác không kịp thời đáp ứng khiến các ao nuôi không đủ nước sạch nuôi thậm chí các cơ sở nuôi còn gây nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh chéo cho nhau. Khó khăn mới đây là con giống đứng trước thách thức nhiễm khuẩn mới, chưa có phác đồ phòng chống hiệu quả.

"Hậu quả, vừa qua nhiều khu nuôi, thậm chí vùng nuôi, bị thiệt hại hết sức trầm trọng. Mùa tôm mới đã diễn ra một tháng, nhưng các vùng nuôi lớn chưa thấy sinh khí. Hiện các cơ sở nuôi còn chờ đợi, dù chưa biết chờ điều gì rõ ràng. Giá cả đầu ra gia tăng hay thời tiết thuận hơn hay các vật tư đầu vào cải thiện hơn", ông Lực thông tin.

Về khách quan, cuộc cách mạng ngành tôm ở Ecuador gây áp lực lớn vì giá bán tôm của họ quá thấp và sản lượng tôm của họ không ngừng tăng trưởng. Tôm Ấn Độ cũng rất cạnh tranh. Trong khi đó, tôm Indonesia thêm lợi thế là ngành tôm họ đã chứng minh được với DOC là không nhận trợ cấp từ Chính phủ nên không bị thuế CVD.

"Sau khi có mức thuế CVD và AD chính thức, có lẽ việc phân chia lại cái bánh thị trường thêm phức tạp", Chủ tịch Sao Ta nói thêm.

Thêm một khó khăn nữa được TS. Hồ Quốc Lực đề cập đến là phía Mỹ công bố sẽ tăng cường việc truy xuất nguồn gốc các lô tôm Việt bán vào Mỹ theo chương trình khai báo SIMP.

"Kết quả hoạt động ngành tôm ở quý I có tín hiệu lạc quan, kim ngạch xuất khẩu tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, tín hiệu này chưa nói lên mức độ lạc quan trong bối cảnh chung đầy bất trắc", ông Lực nhận định. 

 

Anh Đào