Bách Hoá Xanh - bàn đạp giúp 'vua tôm' Minh Phú tăng thị phần nội địa
Sau 6 tháng hợp tác và ghi nhận kết quả ban đầu, ngày 26/3, Bách Hoá Xanh ký kết chiến lược với tập đoàn Minh Phú nhằm đưa các dòng sản phẩm tôm xuất khẩu vào hệ thống 1.700 cửa hàng bán lẻ tạp hoá của mình.
Ông Nông Văn Dũng, Giám đốc ngành hàng tươi sống Bách Hoá Xanh cho biết trong nửa năm hợp tác, đơn vị này đã bán ra 1.300 tấn tôm ra thị trường, doanh thu đạt hơn 220 tỷ đồng. Mục tiêu trong năm nay của Bách Hoá Xanh đối với sản phẩm tôm Minh Phú là 3.000 tấn và doanh thu đạt 500 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Trọng, CEO Bách Hoá Xanh tự tin chuỗi tạp hoá này có đủ năng lực tiếp nhận sản phẩm tôm từ Minh Phủ theo đúng tiêu chuẩn.
Theo đó, tôm sống sau khi được vớt lên từ ao nuôi sẽ được cho vào nước đá lạnh nhằm giữ trạng thái ngủ đông, giúp tôm được tươi ngọt, chắc thịt và chuyển ngay về kho của Bách hoá Xanh. Từ đây, tôm sẽ được phân phối đến các siêu thị, bảo quản liên tục trên mâm có nước và đá ở nhiệt độ từ 0-4 độ để đảm bảo chất lượng khi đến tay khách hàng.
Theo công bố, các dòng tôm của Minh Phú đang bán tại Bách Hoá Xanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật, Mỹ và EU, được nuôi trong môi trường không kháng sinh, không hoá chất của Minh Phú.
Sản phẩm được được thu hoạch từ vùng nuôi của tập đoàn cũng như các hộ nông dân liên kết, cam kết quy trình nuôi thuận thiên, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh và các hóa chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Tôm được đội ngũ cung ứng của tập đoàn giám sát chất lượng từ hai đến ba lần trước khi thu hoạch.
Ông Lê Văn Quang, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám Đốc tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết: “Minh Phú trước nay chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu. Việc hợp tác với hệ thống rộng khắp như Bách hoá Xanh sẽ giúp cái tên Minh Phú gần hơn với thị trường trong nước".
Theo ông Quang, doanh thu tôm của Minh Phú tại thị trường nội địa chưa tới 1% trong cơ cấu doanh thu. "Điều đó khiến chúng tôi phải suy nghĩ cách để đẩy sản phẩm của mình lên, có thể là 5-10%. Tuy không được cao nhưng tôi nghĩ con số đó là xứng tầm với Minh Phú khi chúng tôi trước giờ chỉ tập trung vào xuất khẩu và chưa chăm lo kỹ càng cho thị trường nội địa".
Trải lòng về câu chuyện quay lại thị trường trong nước, nhà sáng lập Minh Phú cho biết tập đoàn từng bán rất mạnh ở thị trường Việt Nam cách đây 15 năm. Tuy nhiên, kể từ thời điểm thị trường như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... siết chặt tiêu chuẩn về nước, yêu cầu không có kháng sinh trong sản phẩm tôm, Minh Phú phải tuân thủ và tăng cường giám sát từ khâu thu mua cho tới chế biến, điều này khiến giá sản phẩm đội lên.
"Ở Việt Nam thời điểm đó, tôm của Việt Nam bị nhiễm kháng sinh rất nhiều, cộng thêm các đối tượng làm ăn gian dối và chúng tôi khó lòng kiểm soát hết được dù có đội ngũ hơn 300 người đi lấy mẫu, giám sát các quy chuẩn. Do đó, giá tôm của Minh Phú bị đội lên rất cao, từ 20-30%, thậm chí là 50%", ông Quang nói.
Theo CEO Minh Phú, tôm nhiễm kháng sinh không được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua sẽ được đưa ra thị trường trong nước và Trung Quốc. "Tôm Minh Phú mua giá cao mà bán nửa giá thì không thể làm nổi. Trong mấy năm vừa rồi, doanh số tại thị trường Việt Nam của Minh Phú cố lắm cũng chỉ 0,5%", nhà sáng lập Minh Phú bày tỏ.
Hiện tại, ông Lê Văn Quang cho biết Minh Phú đã nghiên cứu được công nghệ mới, quy trình vận chuyển phù hợp nhằm giảm bớt chi phí và chuyển tới người tiêu dùng sản phẩm tôm đạt chuẩn thị trường Mỹ, châu Âu với chi phí hợp lý nhất. Tuy vậy, lãnh đạo Minh Phú vẫn trăn trở rằng nếu không dẹp bỏ tình trạng tôm ngâm, nhiễm kháng sinh thì rất khó để cạnh tranh lâu dài.