VCBS: Lợi nhuận của Minh Phú và Sao Ta có thể tăng hai chữ số năm 2024
Theo báo cáo triển vọng ngành tôm mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo nhu cầu sẽ được hồi phục ở thị trường Mỹ và Trung Quốc vào cuối năm sau.
Cụ thể, lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt. Điều này có thể kích thích tiêu dùng tại thị trường này. Bên cạnh đó, các dịp lễ Giáng Sinh và năm mới vào thời điểm cuối năm sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu của các nước phương Tây. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu còn dư thừa nhiều nên ngành thủy sản nhìn chung sẽ có những hồi phục rõ ràng hơn ở nửa cuối năm 2024.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang có những dấu hiệu hồi phục trở lại. Việc mở cửa trở lại sau dịch, cùng các chính sách thông quan nhập khẩu đã dần được nới lỏng, sẽ hỗ trợ tăng sản lượng tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam vẫn giữ thị phần lớn (khoảng 22%). Nền kinh tế Nhật Bản cũng khá ổn định và chịu ít áp lực từ lạm phát hơn các quốc gia khác. Đây cũng là một động lực thúc đẩy sản lượng xuất khẩu tôm của thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, sản lượng tôm của hai nhà sản xuất lớn là Ecuador và Ấn Độ vẫn còn dư thừa để đáp ứng nhu cầu trong năm tới. Việc mở rộng sang sản xuất chế biến sâu sẽ làm tăng sự cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam ở thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng áp lực giảm giá bán sẽ hạ nhiệt do nguồn cung không còn gia tăng, và chi phí sản xuất tại Ecuardo vẫn ở trên điểm hoà vốn.
Đối với nguồn đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng hạ nhiệt giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí này. Từ tháng 2/2023, chỉ số giá các loại ngũ cốc tiếp tục duy trì đà giảm từ 1-10% qua các tháng, báo cáo viết.
Sao Ta tập trung vào thị trường Nhật Bản, mở rộng vùng nuôi và hoàn thiện kho lạnh giúp cải thiện biên lãi gộp
Theo đánh giá của VCBS, đối với CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), do tình hình kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nhiều từ lạm phát, cạnh tranh gay gắt với đối thủ Ecuador nên Sao Ta chuyển hướng tập trung hơn vào thị trường Nhật Bản và Tây Âu, đặc biệt là ở thị trường Nhật do doanh nghiệp có đối tác tốt đảm bảo bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, vùng nuôi mới 203 ha của Sao Ta cũng đã có chứng nhận ASC để thâm nhập vào thị trường Tây Âu.
Theo báo cáo, việc hoàn thiện nhà máy Tam An và Sao Ta 2 được dự báo sẽ giúp doanh nghiệp nâng sản lượng chế biến thêm 26% so với cùng kỳ trong năm 2023, cùng với kỳ vọng giá tôm ấm dần lên từ nửa cuối năm 2024 sẽ giúp biên lợi nhuận của Sao Ta cải thiện 0,1% so với cùng kỳ.
VCBS dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sao Ta sẽ đạt lần lượt 4.893 và 278 tỷ đồng trong năm 2023, tương ứng giảm 14% và 10% so với năm trước.
Năm 2024, doanh thu thuần của Sao Ta có thể đạt 6.259 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 340 tỷ đồng, tăng 22%.
Để hỗ trợ việc cải thiện biên lợi nhuận, bên cạnh mở rộng vùng nuôi thêm 2023 ha, Sao Ta cũng đang hoàn thiện kho lạnh 3.000 tấn cho nhà máy Nam An trong năm 2023 và kho lạnh 3.000 tấn cho nhà máy Sao Ta trong năm tới.
Nhu cầu tiêu dùng ở thị trường Nhật Bản cũng đang có tín hiệu phục hồi với chỉ số niềm tin tiêu dùng CCI tăng từ 0,3 - 0,6% từ quý IV. VCBS dự báo, Sao Ta sẽ có nhiều triển vọng hơn trong 2024, khi thị trường Nhật Bản ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu từ thị trường Việt Nam.
Minh Phú: Giá tôm có thể vẫn thấp đến nửa đầu năm 2024
Đối với CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC), tỷ trọng doanh thu chủ yếu chuyển dịch từ thị trường Bắc Mỹ sang Australia. Nguyên nhân là tồn kho tôm còn nhiều cũng như lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tôm ở thị trường trọng điểm Bắc Mỹ bị sụt giảm, Minh Phú phải tìm kiếm đến các nhà nhập khẩu ở thị trường khác.
Theo báo cáo, việc Nhà máy Minh Phát hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm 2024 sẽ giúp Minh Phú nâng sản lượng tôm sản xuất lên 62.220 tấn, đem về doanh thu thành phẩm khoảng 16.622 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án Minh Quý và Minh Phú với công suất thiết kế khoảng 30.000 tấn thành phẩm/năm dự kiến sẽ được hoàn thiện và đi vào hoạt động vào giữa năm 2025 và 2027, giúp sản lượng sản xuất được cải thiện từ 2-5% và doanh thu thuần mảng tôm được cải thiện 20 - 80% so với năm 2022.
Đến thời điểm tháng 11/2023, thị trường xuất khẩu trọng điểm của Minh Phú là Mỹ có tín hiệu hồi phục nhu cầu sau đợt sụt giảm từ quý II. Bên cạnh đó, tăng trưởng kim ngạch tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 89% so với cùng kỳ trong tháng 10, cho thấy nhu cầu đang dần hồi phục.
Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho của Mỹ, nguồn cung tôm ở Ecuador và Ấn Độ đang giảm nhưng chưa đáng kể nên giá tôm có thể sẽ vẫn ở mức thấp cho đến nửa cuối năm 2024.
VCBS dự báo, doanh thu thuần của Minh Phú năm 2023 có thể đạt 10.194 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 343 tỷ đồng, giảm 58%. Sang năm sau, doanh thu thuần của Minh Phú có thể đạt 16.622 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 832 tỷ đồng, tăng lần lượt 63% và 142%.