|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chưa thể kỳ vọng ngành thuỷ sản sẽ bứt phá trong năm 2024

16:06 | 06/12/2023
Chia sẻ
Đại diện VASEP cho rằng ngành thuỷ sản sẽ phục hồi trong năm 2024, tuy nhiên chưa thể kỳ vọng vào một sự bứt phá mạnh mẽ.

Cần thời gian để ngành thuỷ sản phục hồi

Chia sẻ tại chương trình “Bí mật đồng tiền” trưa ngày 6/12, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) nhận định năm 2024, ngành thuỷ sản sẽ phục hồi. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa thể kỳ vọng vào một sự bứt phá mạnh mẽ vì ngành này có tính chu kỳ, cần thời gian để nhu cầu dần ấm trở lại. 

Ví dụ tại Mỹ, thị trường tiêu thụ chính tôm và cá tra, sự phục hồi của thị trường này sẽ không quá mạnh mẽ trong năm 2024 mặc dù nhu cầu đang có dấu hiệu cải thiện từ những tháng cuối năm 2023. 

Bà Hằng cho rằng, Trung Quốc sẽ là một trong những động lực lớn của ngành thuỷ sản Việt Nam trong năm tới. 

“Thị trường Trung Quốc sẽ chứng kiến sự bứt phá trong nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản. Nước này đang đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế nhưng có vẻ họ không dành nhiều ngân sách cho sản xuất thuỷ sản nội địa. Bởi, Trung Quốc không coi đây là ngành hàng chủ lực có lợi nhuận cao. Do đó, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường này”, bà Hằng nói. 

Tuy nhiên, đại diện VASEP lưu ý các doanh nghiệp sẽ cần phải tính đến câu chuyện áp lực cạnh tranh lớn về mặt giá cả vì Trung Quốc thích hàng giá rẻ.

“Chúng ta sẽ rất khó khăn khi gặp các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ”, bà Hằng nhấn mạnh. 

Số liệu của VASEP cho thấy luỹ kế 11 tháng năm nay, ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,27 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Riêng trong tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với tháng 11/2022, đạt gần 840 triệu USD.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Trừ nhuyễn thể có vỏ có kim ngạch vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, xuất khẩu các sản phẩm chính trong tháng 11/2023 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%..

Xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh…Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phile, thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore.

Với mặt hàng tôm, VASEP cho biết nhiều khả năng Trung Quốc  sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh trong quý cuối năm 2023 để bù đắp cho mùa tiêu dùng cao điểm tháng 12, tháng 1 và tháng 2.

Tuy nhiên, tại Mỹ, dù nhu cầu phục hồi nhưng áp lực cạnh tranh từ các nước Mỹ Latinh đối với Việt Nam sẽ lớn do các thị trường này có lợi thế về giá bán và chi phí vận chuyển thấp hơn.

Lạm phát đang giảm ở tất cả các nước lớn ở châu Âu. Tuy nhiên, các thương nhân không muốn bắt đầu mua hàng cho dịp Giáng sinh do nhu cầu đối với các loài giáp xác, bao gồm cả tôm, vẫn yếu.

Với diễn tiến hiện nay, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 có thể đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022. Trong đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 21% và cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25%.

Khi nào EC gỡ thẻ vàng cho thuỷ sản Việt Nam?

Liên quan đến câu hỏi khi nào Việt Nam gỡ được thẻ vàng IUU, bà Lê Hằng cho rằng điều này phụ thuộc vào việc ngành thuỷ sản giải quyết triệt để tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đây là khuyến nghị số 1 của EC. 

Bên cạnh đó, ngành cũng cần kiểm soát tàu đánh bắt cá, đặc biệt là những tàu không đăng kiểm, đăng ký, không có giấy phép. 

“Khi nào chúng ta giải quyết được những câu chuyện đó thì mới có thể hy vọng gỡ thẻ vàng. Trong 6 tháng tới, EC sẽ đến Việt Nam để kiểm tra lại lần nữa. Tuy nhiên, tôi cũng không quá bi quan về khả năng EC sẽ áp thẻ đỏ đối với hải sản Việt Nam. Kịch bản tích cực nhất là chúng ta gỡ được thẻ vàng. Còn nếu không thì câu chuyện sẽ khó khăn hơn vì doanh nghiệp vốn đã thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu, giờ lại thêm các thủ tục làm đình trệ việc mua hàng nguyên liệu”, bà Hằng cho biết. 

 

H.Mĩ