|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam

08:13 | 01/12/2023
Chia sẻ
Ngành tôm các nước bị Mỹ điều tra, bao gồm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam chỉ bị điều tra chống trợ cấp do sản phẩm tôm Việt đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến nay.

Mỹ điều tra chống trợ cấp với tôm 4 nước

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 21/11, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Sản phẩm bị điều tra là tôm nước ấm đông lạnh thuộc các mã HS 0306.17, 1605.21 và 1605.29.

Các nước bị điều tra, bao gồm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam chỉ bị điều tra CTC do sản phẩm tôm của Việt Nam đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến nay. 

DOC khởi xướng điều tra trợ cấp đối với cả tôm đông lạnh và tôm tươi từ Việt Nam, do tôm tươi nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn đến 95% giá trị của tôm nước ấm đông lạnh. Do vậy, các trợ cấp cho các nhà cung cấp tôm tươi của Việt Nam cũng được coi là trợ cấp dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam.

Thời kỳ điều tra trợ cấp vào năm 2022. Thời kỳ điều tra thiệt hại từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2023.

Tổng số chương trình trợ cấp bị điều tra khoảng 40 chương trình, thuộc nhóm các chương trình cho vay và bảo đảm; nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; nhóm các chương trình miễn các khoản phải thu; nhóm các chương trình ưu đãi về đất; nhóm các chương trình tài trợ.

Ngoài ra, DOC cũng điều tra các chương trình thuộc Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và Chương trình Phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2021 – 2030.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 800 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Mỹ, chiếm khoảng 20% tổng thị phần xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Chọn 2-3 bị đơn bắt buộc để điều tra

Cục Phòng vệ Thương mại cho biết DOC xác định có 1.046 doanh nghiệp Việt Nam có xuất khẩu sản phẩm bị điều tra vào Mỹ trong thời kỳ điều tra.

Theo thông lệ, DOC sẽ không điều tra tất cả doanh nghiệp bị nêu tên, mà sẽ lựa chọn 2-3 bị đơn bắt buộc để điều tra riêng, thường là các nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam theo số liệu của Hải quan Mỹ. Mức thuế cho các bị đơn bắt buộc này sẽ là cơ sở để xác định mức thuế CTC cho các doanh nghiệp còn lại.

Sau khi xác định được bị đơn bắt buộc, DOC sẽ ban hành bản câu hỏi điều tra cho Chính phủ và các bị đơn bắt buộc. Thời hạn trả lời thường là 30 ngày kể từ ngày ban hành bản câu hỏi (có thể xin gia hạn). DOC có thể ban hành các bản câu hỏi bổ sung.  

Sau 65 ngày kể từ ngày khởi xướng, DOC sẽ ban hành kết luận sơ bộ, dự kiến vào ngày 18/1/2024 (có thể gia hạn). Sau khi có kết luận sơ bộ, DOC có thể thẩm tra tại chỗ Chính phủ và doanh nghiệp.

Sau 75 ngày kể từ ngày công bố kết luận sơ bộ, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, dự kiến ngày 2/4/2024 (có thể gia hạn).

Về phía Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC), đơn vị này dự kiến đưa ra kết luận sơ bộ vào ngày 11/12/2023 và kết luận cuối cùng vào ngày 17/5/2024.

Chỉ khi DOC xác định có tồn tại trợ cấp và USITC xác định ngành sản xuất nội địa chịu thiệt hại do hàng nhập khẩu bị trợ cấp gây ra, Mỹ mới ban hành Lệnh áp thuế với Việt Nam. Nếu một trong hai bên xác định không tồn tại trợ cấp hoặc thiệt hại, vụ việc sẽ chấm dứt.

Cục Phòng vệ Thương mại khuyến cáo các doanh nghiệp tôm nghiên cứu quy định, thủ tục điều tra chống trợ cấp của Mỹ, các yêu cầu cung cấp thông tin của DOC để tuân thủ đúng trong trường hợp tham gia vụ việc.

Hoàng Anh