|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành tôm có thể phục hồi từ quý II/2024

07:00 | 24/11/2023
Chia sẻ
Trong năm 2024, nhu cầu tôm thế giới được kỳ vọng sẽ bắt đầu phục hồi từ quý II trong khi nguồn cung từ các nước lớn như Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ dự kiến sẽ thu hẹp trong nửa đầu năm.

Giá tôm được dự báo sẽ tiếp tục tăng

Ngành tôm Việt Nam tiếp tục có những tín hiệu khởi sắc về cả giá nguyên liệu và hoạt động xuất khẩu. Theo số liệu của WiGroup, giá tôm thẻ chân trắng có xu hướng tăng mạnh trong 4 tháng qua.

Theo đó, tính đến ngày 23/11, giá tôm thẻ chân trắng trung bình ở mức 98.700 đồng/kg, phục hồi 20% từ mức đáy ít nhất 2 năm thiết lập hồi tháng 7.Giá tôm sú có mức phục hồi chậm hơn trong cùng giai đoạn, khoảng 13% lên trung bình 176.000 đồng/kg. 

Diễn biến giá tôm thẻ chân trắng trung bình trong 2 năm qua (Nguồn: WiGroup)

Những tín hiệu từ thị trường cho thấy hoạt động tiêu thụ tôm đang dần có dấu hiệu cải thiện. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 318 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Hiện chưa có số liệu về kim ngạch xuất khẩu sang từng thị trường trong tháng 10. Tuy nhiên, số liệu trong tháng 9 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan với mức tăng trưởng cao nhất là 54%. 

Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực khi đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương. Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. 

VASEP cho rằng với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường như Mỹ, Canada, Australia, nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm. Theo đó, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay dự kiến sẽ ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), một trong 5 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, cho rằng thị trường sẽ thực sự bước vào giai đoạn hồi phục từ vào quý II/2024 nhưng với tốc độ chậm. 

Tuy nhiên, theo ông, để kỳ vọng vào một cú phục hồi mạnh mẽ thì phải phụ thuộc rất nhiều vào sức bật của nền kinh tế thế giới và mức độ kìm chế lạm phát của các nước ra sao. Ngoài ra, tình hình căng thẳng địa chính trị tại các nước cần hạ nhiệt để nút thắt chuỗi cung ứng trong sản xuất cởi bỏ. 

“Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang tình hình phục hồi tất cả ngành, không chỉ ngành tôm sẽ chậm lại thậm chí xấu đi”, ông Lực nhận định.

Nhu cầu được dự báo tăng trong khi nguồn cung thu hẹp tại các nước sản xuất tôm lớn là những nguyên nhân chính khiến giá tôm xuất khẩu và nguyên liệu được kỳ vọng tiếp tục tăng.

Công ty chứng khoán FPTS nhận định rằng nguồn cung tôm từ các nước lớn như Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ đều thu hẹp trong nửa đầu năm sau do trước đó người dân thu hẹp diện tích thả nuôi vì thua lỗ. Trong khi đó, nhu cầu tôm được dự báo sẽ bắt đầu phục hồi từ quý II/2024.

Chia sẻ với TTXVN, ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm tỉnh Bạc Liêu, cho biết giá tôm tăng là tín hiệu đáng mừng, đồng thời kỳ vọng thị trường cuối năm sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu sử dụng lớn. Tuy vậy, đáng tiếc hiện nay nông dân không còn tôm để bán. Bởi nhiều hộ sợ thua lỗ nên treo ao hoặc thả nuôi ít, một số khác cắt bán tôm cỡ nhỏ để hạn chế thua lỗ.

Thị trường Mỹ và EU có thể phục hồi chậm hơn so với Nhật Bản

Nhận định về mức độ phục hồi của các thị trường lớn,Chủ tịch Sao Ta cho rằng mức độ phục hồi của Mỹ, EU, Nhật Bản trong năm tới sẽ khác nhau, trong đó Nhật Bản được xem là thị trường nhiều tiềm năng. Với thị trường Mỹ, khách hàng tiêu thụ tôm số 1 của Việt Nam, nhu cầu lớn đồng nghĩa với việc tôm Việt sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn từ các cường quốc về tôm như Ecuador và Ấn Độ. 

“Chúng tôi kỳ vọng nhiều vào thị trường Nhật Bản hơn là Mỹ. Mức độ phục hồi ở Nhật Bản chắc chắn nhanh hơn nhiều và đây cũng là thị trường lợi thế của chúng tôi”, ông Lực nói. 

Ông phân tích tại Nhật Bản, người tiêu dùng yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ. Trong khi đó, tại Mỹ và EU tôm sơ chế đơn giản từ Ấn Độ, Ecuador với giá rẻ đang có lợi thế hơn so với Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường Nhật Bản có vị trí gần hơn so với Mỹ, EU và phương thức thanh toán cũng an toàn hơn. Trong bối cảnhdoanh nghiệp có thể phá sản bất cứ lúc nào như hiện nay,phương thức thanh toán tại Mỹ và EU đang tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp.

“Nếu hàng đến nơi nhưng khách hàng phá sản, chưa thanh toán thì coi như mất. Còn ở Nhật Bản, phương thức thanh toán là thư tín dụng, tức hàng lên tàu là tiền về. Đó cũng là lý do để chúng tôi gần gũi với thị trường Nhật Bản và coi đây là đối tác chiến lược dài hạn”, Chủ tịch Sao Ta cho hay.

Cuộc đua tôm chế biến sẽ tạo sức ép lên Việt Nam

Hiện nay, một số công ty ở các nước đối thủ như Ecuador và Ấn Độ cũng đang bắt đầu lấn sân sang mảng tôm chế biến sâu trong bối cảnh giá tôm sơ chế của họ đã giảm quá sâu. 

Theo Undercurrent News, gã khổng lồ ngành tôm của Ecuador, Sociedad Nacional de Galapagos (Songa), đang tăng cường đầu tư cho dây chuyền sản xuất tôm chế biến giá trị gia tăng cao. 

Một giám đốc điều hành của Songa cho biết với dây chuyền mới sẽ cho phép công ty tăng đáng kể sản lượng tôm nấu chín và bóc vỏ. “Hiện tại công suất chế biến ở mức 91 tấn tôm thẻ chân trắng nguyên liệu/ngày. Chúng tôi sẽ từ từ nâng công suất”, ông nói. 

Vị này cho biết thêm thị trường mục tiêu chính của họ là châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, các thị trường khác ở châu Á như Trung Quốc cũng rất tiềm năng đối với phân khúc chế biến này. “Chúng tôi đang cố gắng đa dạng hoá sản phẩm. Bán trực tiếp tôm nguyên liệu vẫn là chiến lược quan trọng vì đó là hướng đi tốt nhất có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, mức giá hiện tại rất thấp và điều đó sẽ thay đổi".

Đánh giá về mức độ cạnh tranh từ Ecuador, Chủ tịch Sao Ta cho rằng không quá đáng ngại vì trình độ chế biến của Ecuador vẫn còn cách khá xa so với Việt Nam. Vấn đề về công nghệ có thể đầu tư tuy nhiên, chất lượng sản phẩm đầu ra còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của các nhà máy. 

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng tất cả nước sản xuất tôm đều đang nỗ lực theo đuổi tôm chế biến. Điển hình như Ấn Độ bắt đầu nghiên cứu tôm chế biến từ năm 2015 và Ecuador cũng đang đẩy mạnh mảng này trong hai năm nay nhưng sẽ còn mất rất lâu để các nước theo đuổi kịp trình độ của Việt Nam hiện tại.

"Ấn Độ và Ecuador sẽ mất ít nhất 5 năm mới theo kịp trình độ chế biến hiện tại của Việt Nam. Hiện các nhà máy của Việt Nam vẫn đang nâng cao trình độ chế biến. Điều đáng quan ngại nhất là vì tôm sơ chế quá rẻ có thể thu hút khách hàng ở phân khúc cao hơn là tôm chế biến. Điều này sẽ tác động làm giá tôm chế biến giảm xuống", ông Lực nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

H.Mĩ