Tín hiệu phục hồi cho xuất khẩu tôm
Xuất khẩu sang một số thị trường lớn tăng mạnh
Xuất khẩu trong quý I có những tín hiệu tích cực khi tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên 691 triệu USD, theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP).
Trong đó riêng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ và Mỹ cũng ghi nhận mức tăng 15%. Đây được xem là hai thị trường tiêu thụ lớn nhất và có sức hút lớn đối với ngành tôm Việt Nam trong quý I.
Đối với Trung Quốc, VASEP cho biết nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này trong những tháng đầu năm nay khá cao.
Cụ thể, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm trong tháng 1 để đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán, lượng nhập khẩu từ Ecuador - nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc, giảm và tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Tại đây, tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá so với các nguồn cung đối thủ tuy nhiên nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên đã chấp nhận mức giá cao hơn.
Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1 triệu tấn tôm, cho thấy dung lượng lớn của thị trường gần này. Doanh nghiệp Việt cũng có chiến lược tập trung bán vào Trung Quốc những mặt hàng tôm mà các nước cung ứng tôm khác không thể đáp ứng.
Trao đổi với chúng tôi ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), cho biết Trung Quốc là thị trường tiềm năng nằm trong chiến lược của công ty.
Ông cho hay lượng tiêu thụ tôm của Trung Quốc rất lớn, thậm chí hơn cả Mỹ và Châu Âu. Trong năm 2023, ước tính nước này nhập khẩu lượng tôm khổng lồ lên tới 1 triệu tấn, chủ yếu là để chế biến, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu gần như không đáng kể.
Ông phân tích, hiện tại đa phần tôm xuất khẩu sang Trung Quốc là tôm sú vì loại tôm này luộc lên có màu đỏ đậm hơn nhiều so với tôm thẻ, phù hợp với thị hiếu người Trung Quốc. Họ cho rằng tôm càng đỏ thì chứng tỏ lúc chế biến tôm ở trạng thái tươi nhất. Tuy nhiên, tôm sú ở Việt Nam chỉ tập trung nhiều ở Bạc Liêu, Cà Mau.
Do đó, với tôm thẻ để chinh phục được thị trường này cần đảm bảo yếu tố tôm luộc lên có màu đỏ đậm và phải thật tươi.
“Tôm thẻ của chúng tôi nuôi ở vùng nước màu tối nên tạo ra được sắc màu đỏ đậm khi luộc. Ngoài ra, nhà máy chế biến nằm ngay cạnh vùng nuôi nên có thể đảm bảo việc chế biến tôm ở trạng thái tươi nhất, có thể luộc tại chỗ. Đây là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi so với các doanh nghiệp khác”, ông Lực nói.
Còn với thị trường Mỹ, VASEP cho biết giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường sau khi chạm đáy vào tháng 11/2023, đã có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm nay.
Hiệp hội dự báo doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu.
Theo VASEP, so với một số nguồn cung tôm chính tại Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ. Mỹ cũng đang có chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc.
Ngoài ra, ngành tôm đang đón nhận những tín hiệu tích cực khi các đối thủ lớn như Ấn Độ và Ecuador đang bị cảnh báo về kháng sinh, phụ gia vượt mức cho phép và vấn đề lao động.
Ngày 27/3, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cho biết tổng cộng 43 lô tôm Ecuador đã bị từ chối trong 2 tháng đầu năm nay, chủ yếu do hàm lượng sulfite vượt mức cho phép.
Trong số 43 container bị từ chối từ Ecuador, có 34 container là do sử dụng quá nhiều phụ gia thực phẩm. Đồng thời, những trường hợp bị từ chối còn lại được cho là do hồ sơ không thống nhất, "nitơ cơ bản dễ bay hơi" quá mức hoặc bệnh động vật.
Điều này khiến cho nguồn cung từ Ecuador tại Trung Quốc giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam.
Trang Undercurrent News dẫn số liệu từ hải quan Ecuador cho biết lượng tôm nước này xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 21% trong tháng 2 xuống 46.694 tấn. Kim ngạch cũng giảm 32% xuống 212 triệu USD.
Đối với Ấn Độ, một công ty bị cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Mỹ và ngược đãi công nhân.
Bên cạnh những tính hiệu tích cực từ hoạt động xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu cũng đang có dấu hiệu khởi sắc. Giá tôm chân trắng và tôm sú nguyên liệu của Việt Nam kể từ tháng 1 năm nay có xu hướng tăng dần mặc dù vẫn chưa phục hồi trở lại mức giá của cùng kỳ năm ngoái.
Theo dữ liệu từ Wichart, giá tôm thẻ chân trắng trung bình tính đến ngày 9/4 khoảng 104.000 đồng/kg, mức cao nhất trong 11 tháng qua. Giá tôm sú khoảng 225.000 đồng/kg, tăng 48% so với mức đáy thiết lập hồi tháng 10/2023.
"Kết quả hoạt động ngành tôm ở quý I có tín hiệu lạc quan, kim ngạch xuất khẩu tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, tín hiệu này chưa nói lên mức độ lạc quan trong bối cảnh chung đầy bất trắc", ông Lực nhận định.
Thuế chống trợ cấp của Mỹ sẽ là rào cản lớn với tôm Việt Nam?
Thông tin từ VASEP, vào ngày 26/3 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador. Theo đó, ba trong số 4 nguồn cung tôm nuôi lớn nhất của Mỹ có thể sẽ buộc phải đặt cọc thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ dao động từ 2% -196%.
Đối với tôm từ Việt Nam, yêu cầu đặt cọc sẽ là 2,84% đối với Stapimex, 196,41% đối với Thông Thuận và 2,84% đối với tất cả các nhà cung cấp Việt Nam khác.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc CTCP Thuỷ sản Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, cho rằng việc Mỹ áp thuế chống trợ cấp vừa qua là cơ hội tốt cho Việt Nam.
“Những năm trước, Ecuador không bị áp thuế trong khi Việt Nam và Ấn Độ đều bị áp. Do đó, với quyết định hiện tại của Mỹ, việc cạnh tranh cũng sẽ công bằng hơn”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador vẫn còn mối lo lớn của ngành tôm Việt Nam bởi giá bán của các nước này thấp.
“Chúng tôi đang áp dụng công nghệ nuôi tôm mới có thể cạnh tranh tốt với Ecuador. Tuy nhiên, công nghệ này cần thời gian để phổ biến đến tất cả những hộ nuôi liên kết. Nếu một mình Minh Phú nuôi mà người dân không áp dụng để có giá thành thấp thì cũng không thể thành công được”, ông Quang nói.
Còn theo Chủ tịch Sao Ta: "Mức thuế này thấp hơn so mức thuế tương ứng từ ngành tôm Ấn Độ và Ecuador nhưng lại là lực cản không nhỏ vì lâm vào vụ kiện tranh chấp thương mại ở Mỹ là vướng vào một tình huống phức tạp và khả năng kéo dài và rủi ro vô chừng.
Tuy nhiên, chúng ta còn chút niềm tin khi tới đây DOC qua Việt Nam phúc thẩm, nếu mức thuế này giảm dưới 2% thì vụ kiện có thể bị hủy bỏ. Nếu ngược lại, thì lối dẫn tôm Việt vào đây càng thu hẹp".
Ngoài ra, theo ông Lực, một bất lợi chủ quan nữa là giá thành tôm Việt Nam quá cao, một phần do tỷ lệ nuôi thành công của tôm Việt quá thấp. Nguyên nhân nằm ở chất lượng tôm giống, quy trình nuôi, quy mô nuôi nhỏ lẻ đầy bất lợi, người nuôi thiếu vốn trầm trọng.
Bên cạnh đó, việc nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch khiến thủy lợi và các nền tảng hạ tầng khác không kịp thời đáp ứng khiến các ao nuôi không đủ nước sạch nuôi thậm chí các cơ sở nuôi còn gây nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh chéo cho nhau. Khó khăn mới đây là con giống đứng trước thách thức nhiễm khuẩn mới, chưa có phác đồ phòng chống hiệu quả.
"Hậu quả, vừa qua nhiều khu nuôi, thậm chí vùng nuôi, bị thiệt hại hết sức trầm trọng. Mùa tôm mới đã diễn ra một tháng, nhưng các vùng nuôi lớn chưa thấy sinh khí. Hiện các cơ sở nuôi còn chờ đợi, dù chưa biết chờ điều gì rõ ràng. Giá cả đầu ra gia tăng hay thời tiết thuận hơn hay các vật tư đầu vào cải thiện hơn", ông Lực thông tin.
Về khách quan, cuộc cách mạng ngành tôm ở Ecuador gây áp lực lớn vì giá bán tôm của họ quá thấp và sản lượng tôm của họ không ngừng tăng trưởng. Tôm Ấn Độ cũng rất cạnh tranh. Trong khi đó, tôm Indonesia thêm lợi thế là ngành tôm họ đã chứng minh được với DOC là không nhận trợ cấp từ Chính phủ nên không bị thuế CVD.
"Sau khi có mức thuế CVD và AD chính thức, có lẽ việc phân chia lại cái bánh thị trường thêm phức tạp", Chủ tịch Sao Ta nói thêm.
Thêm một khó khăn nữa được TS. Hồ Quốc Lực đề cập đến là phía Mỹ công bố sẽ tăng cường việc truy xuất nguồn gốc các lô tôm Việt bán vào Mỹ theo chương trình khai báo SIMP.