|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PAN Group lên mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục, mảng gạo và tôm kỳ vọng tăng trưởng cao

10:52 | 04/04/2024
Chia sẻ
PAN Group dự báo mảng gạo đóng gói sẽ tiếp tục khả quan do giá gạo đang neo ở vùng cao. Còn lợi nhuận trước thuế mảng tôm có thể tăng từ 12% - 15% do kỳ vọng biên lợi nhuận cao hơn khi khai thác toàn bộ diện tích ao tự nuôi và sự giảm nhiệt trong chi phí vận chuyển và thức ăn chăn nuôi.

 Ảnh: PAN Group.

CTCP Tập đoàn PAN Group (Mã: PAN) nhận định năm 2024 được đánh giá tiếp tục là một năm nhiều thử thách cho hoạt động sản xuất kinh doanh khi các điều kiện kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, tín dụng tiếp tục có những biến động khó lường, và có ảnh hưởng bất lợi tới mở rộng sản xuất kinh doanh.

Lạm phát và lãi suất ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU vẫn ở mức cao và do vậy nhu cầu tiêu dùng và đơn đặt hàng từ các thị trường này phục hồi chưa rõ nét.

Trong khi đó thị trường nội địa cũng mới đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hai năm 2022, 2023 nhiều khó khăn. Vì vậy, kế hoạch kinh doanh của từng công ty cũng như hợp nhất cho năm 2024 được xây dựng với kịch bản có sự thận trọng nhất định.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, PAN Group đề ra kế hoạch doanh thu thuần 14.780 tỷ, lãi sau thuế 882 tỷ; tăng trưởng lần lượt 12% và 8% so với năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 447 tỷ, tăng 10% so với năm ngoái và nếu đạt được sẽ là con số cao kỷ lục của tập đoàn.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2024.

Trong kịch bản tích cực hơn, PAN Group kỳ vọng cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa sẽ có những bước phục hồi mạnh mẽ trong trong nửa cuối năm 2024, và có thể mang tới tăng trưởng cao hơn dự kiến cho các mảng kinh doanh của PAN.

Lĩnh vực nông nghiệp với các màng giống cây trồng, lương thực và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng dự kiến sẽ vẫn có được tốc độ tăng trưởng tốt ở doanh thu tuy nhiên lợi nhuận có thể tăng thấp hơn do ảnh hưởng của biến động giá đầu vào, giá thu mua và tỷ giá tăng cao đang gây bất lợi cho hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra tình hình El Nino sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới các mùa vụ cây trồng, cây ăn quả và gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu thụ các sản phẩm bảo vệ thực vật.

Tập đoàn dự báo mảng gạo đóng gói nhiều khả năng sẽ tiếp tục khả quan do giá gạo đang neo ở vùng cao, phần nào bù đắp cho các rủi ro và khó khăn trong mảng giống cây trồng và nông dược.

Ở lĩnh vực thực phẩm đóng gói, mảng bánh kẹo dự kiến hoạt động cốt lõi tiếp tục tăng trưởng tốt theo đà hồi phục từ cuối năm 2023; cùng với đó là động lực tăng trưởng mới từ khai thác mạnh hơn thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên mặt bằng một số loại nguyên vật liệu chính như đường, bột mỳ vẫn ở mức cao sẽ làm giảm hiệu quả chung.

Doanh thu mảng bánh kẹo dự kiến tăng trưởng 15%; trong khi đó lợi nhuận trước thuế từ hoạt động cốt lõi dự kiến có tăng trưởng ở mức một con số với ước tính tình hình giá nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn năm 2023.

Trong khi đó mảng hạt xuất khẩu nhìn chung có kế hoạch tăng trưởng tốt khi việc bán hàng tới các khách hàng Trung Quốc, Hong Kong phục hồi bên cạnh đó đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật Bản (bắt đầu khai thác từ hai năm trước) cũng sẽ là động lực quan trọng trong trong giai đoạn 5 năm tới của mảng này.

Dự báo doanh thu và lợi nhuận mảng hạt có thể tăng trưởng từ 10% - 15%, do dự kiến năm 2024 khôi phục hoàn toàn được việc bán hàng cho các khách hàng truyền thống cũng như đẩy mạnh được thị trường Nhật Bản.

Trong khi đó lĩnh vực thủy sản sẽ chưa khởi sắc nhanh, ít nhất trong nửa đầu năm do việc các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU vẫn đang có lạm phát cao và đơn hàng chưa phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng. Ngoài ra các diễn biến của vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ với ngành tôm cũng có thể mang tới các ảnh hưởng bất lợi đồng thời tạo ra các áp lực cạnh tranh về giá từ các quốc gia xuất khẩu tôm khác.

Sau nửa đầu năm, mức độ tiêu thụ được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn trong các kịch bản tích cực về vĩ mô. 

Mảng tôm, kế hoạch doanh thu tăng trưởng một con số so với 2023, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến có tăng trưởng cao hơn, từ 12% - 15%; do kỳ vọng biên lợi nhuận cao hơn khi khai thác toàn bộ diện tích ao tự nuôi và sự giảm nhiệt trong chi phí vận chuyển và thức ăn chăn nuôi.

Mảng cá tra dự kiến chịu ảnh hưởng lớn từ bối cảnh thị trường xuất khẩu và mặt bằng giá xuất khẩu chưa có nhiều cải thiện - dự kiến doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng nhẹ ở mức một con số.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, tập đoàn đề xuất trả cổ tức bằng tiền tối thiểu 5% (500 đồng/cp). Bên cạnh đó sẽ trích quỹ phát triển bền vững và R&D 5 tỷ, kinh phí hoạt động và thù lao HĐQT 2 tỷ cùng quỹ khen thưởng, phúc lợi công ty mẹ 1 tỷ.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024 dự kiến sẽ tương tự năm 2023 nếu đạt kế hoạch đề ra.

 Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên.

Hoàng Kiều