|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vĩnh Hoàn lên hai kịch bản kinh doanh, sẽ chi trên 900 tỷ đầu tư các nhà máy năm nay

14:58 | 02/04/2024
Chia sẻ
Nếu tích cực, Vĩnh Hoàn dự kiến lợi nhuận năm nay có thể tăng 15% so với năm ngoái và ở kịch bản kém khả quan thì suy giảm 13%.

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 dự kiến diễn ra ngày 17/4 ở tỉnh Đồng Tháp, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) lên kế hoạch kinh doanh năm nay dựa trên hai kịch bản. 

Ở kịch bản thấp, doanh nghiệp đề ra kế hoạch 10.700 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 7% còn lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ dự kiến giảm 13% so với năm ngoái còn 800 tỷ đồng.

Ở kịch bản tích cực hơn, Vĩnh Hoàn đề ra mục tiêu doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng, 1.000 tỷ lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ; tăng lần lượt 15% và 9% so với năm 2023.

  Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất và kế hoạch 2024.

Về kế hoạch đầu tư, tổng số tiền dự chi cho năm nay khoảng 930 tỷ đồng. Vĩnh Hoàn dự kiến sẽ đầu tư mở rộng nâng cấp tăng công suất sản xuất Collagen và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen.

Thứ hai, công ty sẽ đầu tư dự án trồng trọt, đầu tư kho và đầu tư bổ sung máy móc thiết bị cho giai đoạn 1 nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự kiến đầu tư mở rộng kho và nâng cấp tăng công suất sản xuất nhà máy thức ăn thủy sản Feedone; đầu tư mở rộng kho và nâng cấp tăng công suất sản xuất của nhà máy Sa Giang.

Ngoài ra sẽ có các khoản đầu tư cho mở rộng vùng nuôi; các khoản đầu tư mới và cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Thanh Bình, Vĩnh Hoàn. 

Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2024, HĐQT dự kiến trình ĐHĐCĐ phương án trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 20% bằng tiền (2.000 đồng/cp). 

Với hơn 224 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính, doanh nghiệp sẽ chi ra khoảng 449 tỷ đồng để trả cổ tức.

Ngoài ra, Vĩnh Hoàn cũng dự kiến trích quỹ khen thưởng ban điều hành 20% lợi nhuận vượt kế hoạch nhưng không quá 20 tỷ đồng. 

Còn với phương án trả cổ tức năm 2023, doanh nghiệp dự kiến mức chi trả là 20% bằng tiền và đã thực hiện tạm ứng vào cuối tháng 2.

Dự báo ngành cá tra có thể tăng sản lượng nhưng giá bán khó hồi phục 

Đánh về triển vọng của ngành, trong báo cáo phân tích cuối tháng 3, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định ngành cá tra năm 2024 kỳ vọng tăng trưởng về sản lượng ở các thị trường Mỹ và Trung Quốc trong khi EU sẽ tương đương cùng kỳ. Giá bán tại các thị trường chính dự kiến khó tăng so với cùng kỳ khi mức độ cạnh tranh về giá còn cao và nguồn cung cá rô phi và cá minh thái dồi dào.

Ở thị trường Mỹ, VDSC kỳ vọng sản lượng năm 2024 tăng trưởng do nền kinh tế hồi phục và mức nền thấp 2023. Cơ hội cho cá tra từ việc Mỹ cấm nhập khẩu cá minh thái (pollock) là không đáng kể khi khi sản lượng cá minh thái xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu và sản lượng đánh bắt cho phép (TAC) tại khu vực biển Bering dự báo tương đương năm ngoái theo Cơ quan cá biển quốc gia tại Mỹ (NFMS).

Từ đó, đơn vị phân tích này nhận thấy Mỹ sẽ khó thiếu nguồn cung cho cá minh thái. Giá bán vào Mỹ năm 2024 kỳ vọng tương đương cùng kỳ khi phải cạnh tranh giá với cá rô phi do nguồn cung cá rô phi dự kiến tăng cao.

Thị trường EU, dự báo sản lượng và giá bán kỳ vọng tương đương cùng kỳ khi phải cạnh tranh với nguồn cung dồi dào của cá minh thái.

EU áp thuế nhập khẩu 13,7% kể từ tháng 1/2024 cho đến năm 2026 cho sản phẩm cá Nga nhưng áp lực cung lớn của cá minh thái Nga khi bị chặn xuất khẩu vào Mỹ và dự báo sản lượng cho phép đánh bắt của minh thái Nga tăng 27% trong năm nay (theo Tradexfood) khiến giá cá minh thái vào EU sẽ duy trì mức thấp. Theo đó, giá nhập khẩu cá minh thái có thể không chênh lệch đáng kể so với cá tra.

Với thị trường Trung Quốc, sản lượng cá tra sang Trung Quốc năm 2024 kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt khi nền kinh tế này cải thiện, tuy nhiên, giá bán sẽ khó tăng do sự cạnh tranh về giá với cá lóc và cá rô phi vẫn cao khi người dân vẫn còn quan tâm về giá.

 

Hoàng Kiều

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.