Phú Tài, Vĩnh Hoàn, DRC, Nam Kim rộng cửa xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Doanh nghiệp xuất khẩu cao su
Theo thông từ Chứng khoán Smart Invest (AAS), Mỹ dự kiến sẽ đánh thuế chống bán phá giá 48% lên lốp xe tải và bus của Thái Lan kể từ tháng 6 tới. Thái Lan đang là nhà xuất khẩu lốp xe lớn nhất chiếm 40% thị phần tại Mỹ.
Đây là một cơ hội không hề nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam và cũng lý giải một phần thực tế nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên quan đến sản xuất lốp xe tiến vào thị trường Việt Nam một cách đột biến.
Hiện tại Việt Nam đang xếp thứ 2 với thị phần 11% xuất khẩu lốp xe tải và bus vào Mỹ, đồng thời không bị áp bất cứ loại thuế chống bán phá giá nào.
Một trong các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này có thể kể đến Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC). Chuyên gia AAS dẫn lời ban lãnh đạo rằng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ và kết quả tích cực sẽ được phản ánh từ quý III.
Hiện tại công suất lốp Radial của Cao su Đà Nẵng là 600.000 lốp/năm và dự án Radial giai đoạn 3 đã chính thức đi vào hoạt động vào tháng 12/2023 để nâng tổng công suất nhà máy lên 1 triệu lốp.
Tựu chung, AAS đánh giá triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi tăng thêm 66% công suất từ nhà máy Radial giai đoạn 3, tăng xuất khẩu vào Mỹ và phát triển các sản phẩm mới ở thị trường ngách như lốp xe tải siêu trường siêu trọng, lốp xe nông nghiệp...
Doanh nghiệp bán gỗ và đá
Công ty cổ phần Phú Tài (Mã: PTB) cũng dự kiến hưởng lợi từ thị trường Mỹ. Công ty xuất khẩu này có triển vọng khởi sắc trở lại từ 2024 nhờ các động lực tăng trưởng thì mảng gỗ và đá thạch anh nhân tạo.
Chứng khoán An Bình gần đây dẫn thông tin Mỹ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc, với mức thuế CBPG từ 4,37% đến 262,18% và mức thuế CTC là 13,33% đến 293,45%.
Đây là cơ hội mở rộng thị phần cho Phú Tài khi doanh nghiệp này có lợi thế sở hữu giấy chứng nhận FSC cung cấp 70% gỗ nguyên liệu từ nguồn cung trong nước, điều sẽ giúp biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ổn định.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của sản phẩm gỗ Việt Nam và hai nước đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Chứng khoán An Bình kỳ vọng sự kiện này sẽ thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như đồ gỗ.
Thực tế, giá gỗ xẻ đang có xu hướng tăng và giao dịch ở mức 570 USD/1.000 feet. Sự tăng giá này cũng được thúc đẩy bởi kỳ vọng về nhu cầu nhà ở tăng cao ở Mỹ khi nhu cầu sử dụng gỗ làm vật liệu xây dựng hồi phục.
Hiện Phú Tài xuất khẩu hơn 90% tổng doanh thu mảng gỗ với thị trường chủ lực tại Mỹ. Chứng khoán An Bình dự báo triển vọng kinh doanh của mảng gỗ sẽ phục hồi trong năm 2024 khi các chỉ số kinh tế tại Mỹ đang có dấu hiệu tích cực.
Ngoài ra, Phú Tài còn hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu đá thạch anh nhân tạo với nhà máy đang có công suất sản xuất là 450.000 m2/năm, toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Nhóm phân tích kỳ vọng doanh thu đá sẽ có sự tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng đá thạch anh nhân tạo. Lãnh đạo Phú Tài chia sẻ đã mở rộng tệp khách hàng thông qua hội chợ Mỹ được tổ chức trong năm 2022, từ đó tập trung phát triển mảng đá thạch anh nhân tạo để trở thành động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới.
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, thép, sữa
Năm 2023, ngành cá tra Việt Nam phải đối diện với sản phẩm thay thế là cá minh thái của Nga nhưng mặt hàng này gần đây đang liên tục bị đánh thuế bởi các nước phương Tây. Cá tra Việt Nam theo đó có nhiều cơ hội tận dụng thị phần bị mất đi này tại các thị trường như Mỹ và châu Âu.
Theo chuyên gia AAS, nhu cầu cá tra sẽ hồi phục mạnh tại tất cả các thị trường từ nửa cuối năm khi nguồn cung hạn chế.
lạm phát đang được bình ổn trên toàn cầu, đặc biệt với thị trường Mỹ, là tiền đề thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ và cá tra cũng là một mặt hàng được hưởng lợi. Mỹ sẽ là động lực chính khi nguồn cung hồi phục và lượng tồn kho thấp mùa vụ cuối năm.
POR19 được Bộ thương mại Mỹ công bố vào 1/9/2023 giữ nguyên mức thuế 0% đối với Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) và Thủy sản Nam Việt (Mã: ANV), tiếp tục tạo điều kiện cho cá tra Việt Nam có sức cạnh tranh hơn khi vào thị trường này.
Đối với ngành thép, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại khu vực Bắc Mỹ duy trì mức cao so với châu Á trong các tháng gần đây. Chênh lệch giá HRC này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thép và tôn mạ từ Việt Nam sang Mỹ.
VNDirect đánh giá biên lợi nhuận của Thép Nam Kim (Mã: NKG) sẽ tăng trở lại mức trước thời điểm đại dịch khoảng 6-7% nhờ hiệu ứng này. Thị trường bất động sản ấm lên cũng hỗ trợ các nhà sản xuất thép đưa ra mức giá cao hơn.
Nhóm phân tích dự báo hoạt động xuất khẩu của Thép Nam Kim sẽ tăng tích cực trong thời gian tới. Nam Kim đang chiếm 23% thị phần xuất khẩu tôn mạ cả nước và kênh xuất khẩu thường chiếm 60-70% nguồn thu của doanh nghiệp.
Với ngành sữa, lãnh đạo Vinamilk (Mã: VNM) nhận định các chi nhánh nước ngoài tiếp tục có tín hiệu tích cực, Driftwood tại Mỹ vẫn duy trì mức tăng trưởng và lần đầu ghi nhận lợi nhuận trên 2 triệu USD trong năm ngoái, gấp 7 lần cùng kỳ.
Driftwood là thương hiệu trăm năm tuổi tại Mỹ và đóng góp khoảng 5% doanh số cho Vinamilk, với tập khách hàng chính là các trường học và horeca. Vinamilk kỳ vọng các thị trường nước ngoài tiếp đà tăng trưởng trong năm 2024.