Hợp đồng gia công (Processing Contract) là gì? Quyền và nghĩa vụ của các bên
Hợp đồng gia công (Processing Contract) (Nguồn: mize cnc)
Hợp đồng gia công (Processing Contract)
Hợp đồng gia công - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Processing Contract.
Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa bên đặt gia công và bên nhận gia công, trong đó qui định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quá trình gia công hàng hóa. (Theo Quản trị xuất nhập khẩu, NXB Lao động - Xã hội)
Nội dung của hợp đồng gia công
Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lí tương đương theo qui định của pháp luật và phải tối thiểu bao gồm các điều khoản sau:
1. Tên, địa chỉ của các bên kí hợp đồng và bên gia công trực tiếp.
2. Tên, số lượng sản phẩm gia công.
3. Giá gia công.
4. Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán.
5. Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỉ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công.
6. Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có).
7. Biện pháp xử lí phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lí máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công.
8. Địa điểm và thời gian giao hàng.
9. Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa.
10. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
Quyền, nghĩa vụ của bên trong hợp đồng gia công
Đối với bên đặt gia công
a) Giao toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu, vật tư gia công theo thỏa thuận tại hợp đồng gia công.
b) Nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho bên nhận gia công thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lí hợp đồng gia công, trừ trường hợp được phép xuất khẩu tại chỗ, tiêu hủy, biếu, tặng theo qui định tại Nghị định này.
c) Được cử chuyên gia đến Việt Nam để hướng dẫn kĩ thuật sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công.
d) Chịu trách nhiệm về quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa.
đ) Tuân thủ các qui định của pháp luật có liên quan đến hoạt động gia công và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được kí kết.
e) Được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo văn bản thỏa thuận của các bên có liên quan, phù hợp với các qui định hiện hành về quản lí xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo qui định của pháp luật.
Đối với bên nhận gia công
a) Được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo qui định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa tạm nhập khẩu theo định mức và tỉ lệ hao hụt để thực hiện hợp đồng gia công và đối với sản phẩm gia công xuất khẩu.
b) Được thuê thương nhân khác gia công.
c) Được cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công; phải nộp thuế xuất khẩu theo qui định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, phụ liệu, vật tư mua trong nước.
d) Được nhận tiền thanh toán của bên đặt gia công bằng sản phẩm gia công, trừ sản phẩm thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với sản phẩm thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện thì phải tuân thủ các qui định về giấy phép, điều kiện.
đ) Phải tuân thủ các qui định của pháp luật về hoạt động gia công xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất hàng hóa trong nước và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được kí kết.
e) Làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công. (Theo Nghị định Số: 69/2018/NĐ-CP)