Học tập qua hành động trong quản trị nhân sự là gì?
Học tập qua hành động
Khái niệm
Học tập qua hành động trong tiếng Anh gọi là: Action learning.
Học tập qua hành động là phương pháp đào tạo quản lí, trong đó người học được phép dành toàn bộ thời gian cho việc phân tích và giải quyết vấn đề trong các bộ phận phòng ban khác hoặc các doanh nghiệp khác.
Cách đào tạo này thường theo nhóm các đề tài bao gồm từ 4-5 người, họ sẽ gặp nhau sau một khoảng thời gian nhất định để thảo luận, đánh giá các kết quả đạt được.
Ưu nhược điểm
Ưu điểm:
+ Giúp cho người học có kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề thực tế, góp phần phát triển năng lực tổ chức, hoạch định và phân tích các vấn đề;
+ Có thể tạo nên sự hợp tác tốt đẹp giữa các phòng ban trong doanh nghiệp.
Nhược điểm:
+ Những người học được tự do quản lí thời gian của bản thân nên họ ít có điều kiện giúp các nhà quản trị;
+ Người học thường cảm thấy khó khăn khi họ trở về vị trí công tác cũ của họ, do họ tách rời môi trường làm việc cũ của họ.
Học tập qua hành động là một trong những phương pháp đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lí.
Chương trình đào tạo dành cho các cán bộ quản lí chủ yếu là đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản trị cho các cán bộ quản lí của doanh nghiệp. Nội dung của chương trình đào tạo này chủ yếu là cung cấp các kiến thức và kĩ năng quản trị, làm thay đổi quan điểm quản lí và nâng cao kĩ năng thực hành.
Các phương pháp đào tạo khác nhằm nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lí bao gồm:
- Luân phiên thay đổi công việc
- Kèm cặp trực tiếp tại nơi làm việc: Người học sẽ làm việc trực tiếp với người họ sẽ thay thế. Người dạy có trách nhiệm hướng dẫn người học cách thức giải quyết tất cả các vấn đề trong phạm vi trách nhiệm mà họ phụ trách.
- Phương pháp nghiên cứu tình huống
- Trò chơi quản trị.
Đào tạo là quá trình cung cấp có hệ thống các kiến thức, kĩ năng cần thiết cho người lao động nhằm giúp họ hoàn thiện năng lực để giải quyết các công việc cụ thể hiện tại của tổ chức.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị nhân sự, TS. Trương Minh Đức, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)