Hiệu ứng IKEA (IKEA effect) là gì? Liên hệ thực tiễn
Hình minh họa. Nguồn: Everyday Concepts
Hiệu ứng IKEA (IKEA effect)
Định nghĩa
Hiệu ứng IKEA trong tiếng Anh là IKEA effect.
Sự ra đời của Hiệu ứng IKEA
IKEA vốn là một doanh nghiệp Thụy Điển nổi tiếng trong ngành nội thất. Điều làm cho IKEA trở nên độc đáo so với các công ty còn lại nằm ở chỗ các dòng sản phẩm của công ty đều yêu cầu người dùng phải tham gia lắp đặt để hoàn thiện (do-it-your self).
Sản phẩm đến tay khách hàng thường chỉ là những bộ kit bao gồm các bộ phận và linh kiện cần thiết, và phải mất thêm vài giờ mới trở thành sản phẩm hoàn chỉnh nhờ bàn tay của khách hàng. Mặc dù chịu rất nhiều vất vả để mua được một sản phẩm nội thất, khách hàng vẫn cảm thấy hài lòng (nếu không muốn nói là siêu hài lòng).
Chính sách này đã góp phần đưa IKEA trở thành ông trùm nội thất hàng đầu thế giới.
Do sự nổi tiếng và cách thiết kế sản phẩm độc đáo này, các nhà tâm lí học đã lấy tên công ty đặt cho hiệu ứng, gọi là Hiệu ứng IKEA (IKEA effect).
Hiệu ứng IKEA cho rằng người ta sẽ đánh giá cao một sản phẩm mà họ tự làm lấy (hoặc họ nghĩ là mình đã tự làm) hơn các sản phẩm bình thường được làm sẵn.
Liên hệ thực tiễn
Hiệu ứng IKEA được ứng dụng trong kinh doanh thông qua việc cho khách hàng tham gia vào quá trình hình thành sản phẩm.
Có lẽ các nhà thiết kế là hay gặp phải tình trạng này nhất, và dù có muốn hay không thì họ vẫn phải cho khách hàng "tự làm" một cái gì đó trong quá trình hình thành sản phẩm của mình.
Tuyệt chiêu cho khách hàng tự tay làm hiện diện rất nhiều trong cuộc sống, từ các quán ăn cho khách tự nướng thịt (dù khét lẹt nhưng vẫn cứ ngon), cho đến các quán cà phê cho khách hàng tự nướng bánh. Nói chung, nếu không biết khách hàng thích gì, hãy để họ tự làm rồi trả tiền cho bạn. Lí do là dù bạn làm ngon, làm tốt cỡ nào cũng không thể ngon bằng chính tay họ làm được.
(Tài liệu tham khảo: Hiệu ứng chim mồi, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)