|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền (Abuse of a dominant position) là gì?

09:59 | 16/09/2019
Chia sẻ
Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền (tiếng Anh: Abuse of a dominant position) là hành vi hạn chế cạnh tranh mà doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền sử dụng để duy trì hay tăng cường vị trí của nó trên thị trường.
hanh-vi-lam-dung-vi-tri-va-thong-linh-doc-quyen-660x330-min

Hình minh họa (Nguồn: 249lawfirm.com)

Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền (Abuse of a dominant position)

Khái niệm

Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền trong tiếng Anh là Abuse of a dominant position.

Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền là hành vi hạn chế cạnh tranh mà doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền sử dụng để duy trì hay tăng cường vị trí của nó trên thị trường bằng cách hạn chế khả năng gia nhập thị trường hoặc hạn chế quá mức cạnh trạnh. (theo Bộ qui tắc về cạnh tranh của Liên Hợp quốc được thông qua ngày 22/4/1980 và Luật mẫu vễ cạnh tranh của Tổ chức Thương mại và phát triển Liên Hợp quốc - UNCTAD)

Pháp luật cạnh tranh của Việt Nam chỉ đưa ra khái niệm về hành vi hạn chế cạnh tranh: "là hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền và tập trung kinh tế".

Dấu hiệu nhận diện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

- Dấu hiệu nhận biết về mặt chủ thể: Chủ thể thực hiện hành vi lạm dụng có thể là một doanh nghiệp đơn lẻ hoặc một nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường liên quan. 

Trên thực tế, việc kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền chỉ đặt ra đối với doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền đã được xác lập, có mục đích trục lợi hoặc để bóp méo cạnh tranh, bởi lẽ nó xuất phát từ những điều kiện tự nhiên của thị trường như yêu cầu về qui mô hiệu quả tối thiểu, sự dị biệt của sản phẩn, sự tồn tại của các rào cản thị trường... dẫn tới doanh nghiệp có được vị trí thống lĩnh một cách hợp pháp, đem lại khả năng chi phối các quan hệ trên thị trường.

Để xác định được hành vi lạm dụng, các nhà quản lí cần xác định được hành vi lạm dụng đó phải do doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường liên quan thực hiện hay không.

- Dấu hiệu nhận biết về mặt hành vi: Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường đã hoặc đang thực hiện hành vi mà pháp luật qui định là hạn chế cạnh tranh trên thị trường.

Đối với hành vi lạm dụng, chủ thể thực hiện hành vi dù là doanh nghiệp đơn lẻ hay nhóm doanh nghiệp đều không có sự thống nhất ý chí, do đó chỉ có thể căn cứ vào những hành vi đã hoặc đang diễn ra trên thực tế để xem xét xử lí.

Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền được qui định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật Cạnh tranh năm 2004. Đó là những hành vi như lợi dụng, bóc lột khách hàng, năng cản, lại bỏ đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên chỉ áp dụng các qui định của pháp luật đối với các doanh nghiệp có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền khi các doanh nghiệp này hội tụ đủ những yếu tố cấu thành nên hành vi vi phạm được qui định trong Luật Cạnh tranh.

- Hậu quả của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền là làm sai lệch, cản trở hoặc giảm cạnh tranh trên thị trường liên quan.

Mức giảm, sai lệch, hạn chế cạnh tranh mà hành vi lạm dụng gây ra được chứng minh bằng tổn thất thực tế mà các doanh nghiệp khác hoặc khách hàng phải gánh chịu. Việc nắm giữ được quyền lực thị trường khiến cho họ có thể "duy trì được mức giá trên giá cạnh tranh mà vẫn thu được lợi nhuận".

(Tài liệu tham khảo: Luật kinh tế chuyên khảo, NXB Lao động)

T.H

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.