Điều khoản về giá (Price terms) trong hợp đồng ngoại thương là gì?
Hình minh họa (Nguồn: Customsnews)
Điều khoản về giá (Price terms) trong hợp đồng ngoại thương
Điều khoản về giá - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Price terms.
Giá trị hợp đồng mua bán phụ thuộc vào yếu tố số lượng hàng hóa và đơn giá. Do đó, điều khoản về giá là một điều khoản quan trọng được các bên hết sức quan tâm trong giao kết hợp đồng ngoại thương. (Theo Giáo trình Thanh toán quốc tế, NXB Thống kê)
Phương pháp qui định giá trong hợp đồng ngoại thương
Cũng như trên các thị trường khác, về nguyên tắc giá cả hàng hóa mua bán quốc tế được qui định căn cứ vào thời hạn thực hiện hợp đồng theo các phương pháp sau:
Đối với hợp đồng ngắn hạn
Thường áp dụng giá cố định (fixed price), nghĩa là giá cả được ấn định cố định ngay khi kí kết hợp đồng. Mức giá này là không thay đổi cho dù giá hàng hóa trên thị trường biến động như thế nào trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.
Phương pháp xác định giá cố định thường áp dụng cho những hợp đồng có thời gian thực hiện ngắn như mua bán hàng thành phẩm, hàng bách hóa, hàng có thời gian chế tạo, sản xuất ngắn.
Đối với hợp đồng dài hạn
Vì là dài hạn nên trong quá trình thực hiện hợp đồng, giá cả hàng hóa có thể biến động mạnh. Nhằm phản ánh khách quan yếu tố giá cả của hàng hóa tại thời điểm thực hiện hợp đồng, khi kí kết hợp đồng các bên có thể qui định giá theo các phương pháp sau:
a) Xác định giá sau:
Nghĩa là khi kí hợp đồng, người ta không qui định ngay giá cả, mà giá cả chỉ xác định trong quá trình thực hiện hợp đồng. Để làm được việc này, người ta cần thỏa thuận hai yếu tố đó là: thời điểm xác định giá và căn cứ để xác định giá.
Về thời điểm xác định giá, người ta thường lấy thời điểm giao hàng (shipment date) làm mốc. Còn căn cứ xác định giá thì tùy theo loại hàng hóa giao dịch.
b) Giá linh hoạt (Floating price) hay giá có thể điều chỉnh lại (revisable price):
Khi kí kết hợp đồng, người ta ấn định một mức giá cố định và trong hợp đồng có điều khoản qui định là "giá cả hàng hóa sẽ được điều chỉnh lại định kì hoặc tại các thời điểm nhất định nếu nó biến động lên trên hoặc xuống dưới một mức nào đó".
c) Giá trượt (sliding scale price):
Theo thời gian, giá cả đầu vào để sản xuất những mặt hàng dài hạn có thể thay đổi đáng kể. Để phản ánh khách quan giá hàng hóa, các bên tiến hành thỏa thuận giá gốc tại thời điểm kí kết hợp đồng và có tính tới yếu tố biên động về chi phí sản xuất trong thời kì thực hiện hợp đồng.
Giá trượt thường được áp dụng trong các giao dịch về những mặt hàng có thời hạn chế tạo lâu dài như thiết bị toàn bộ, tàu biển,... Trong trường hợp này, khi kí kết hợp đồng người ta qui định một mức giá ban đầu, gọi là giá gốc và qui định thành phần của giá, đồng thời qui định phương pháp tính toán giá trượt sẽ được áp dụng. (Theo Giáo trình Thanh toán quốc tế, NXB Thống kê)