|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hàng hóa có địa vị (Positional Good) là gì?

19:05 | 16/05/2020
Chia sẻ
Hàng hóa có địa vị (tiếng Anh: Positional Good) là hàng hóa và dịch vụ mà mọi người coi trọng vì nguồn cung của nó hạn chế và vì chúng thể hiện một chỗ đứng tương đối cao trong xã hội.
Hàng hóa có địa vị (Positional Good) là gì? - Ảnh 1.

(Hình minh họa: The Audiopedia)

Hàng hóa có địa vị

Khái niệm

Hàng hóa có địa vị trong tiếng Anh là Positional Good.

Hàng hóa có địa vị là hàng hóa và dịch vụ mà mọi người coi trọng vì nguồn cung của nó hạn chế và vì chúng thể hiện một chỗ đứng tương đối cao trong xã hội.

Hàng hóa địa vị có thể là một chiếc túi xách sang trọng của thương hiệu nổi tiếng, du thuyền cá nhân đắt đỏ hoặc vé VIP trong một buổi hòa nhạc đẳng cấp.

Đặc điểm của hàng hóa có địa vị

Hàng hóa có địa vị thường thể hiện chất lượng và tính năng vượt trội. Tuy nhiên, nó chỉ nhận được toàn bộ giá trị nếu nó thành công trong việc khiến chủ sở hữu nó trở nên khác biệt trong một nhóm người. 

Nói chung, định nghĩa về hàng hóa có địa vị thường mở rộng về phía các dịch vụ sang trọng, thẻ hội viên và những kì nghỉ, mặc dù đây không hẳn là hàng hóa. Trong một số trường hợp, thuật ngữ cũng có thể áp dụng cho bằng đại học và những công việc béo bở khó có được, và cũng thể hiện một địa vị cao.

Trong khi hàng hóa có địa vị xuất hiện nhiều hơn ở các nước và khu vực giàu có, thì hầu hết các nền kinh tế cũng có một số hàng hóa được coi là có địa vị. Trong tất cả các nền kinh tế, sự sung túc có xu hướng thúc đẩy nhu cầu đối với những hàng hóa này. 

Với tính độc quyền của hàng hóa có địa vị, nhiều công ty tiếp thị hàng hóa có địa vị rất cẩn thận để tạo ra một hình ảnh về sản phẩm của họ, mà đám đông phổ thông khó có thể tiếp cận được. Nếu tăng trưởng kinh tế phát triển đến mức hàng hóa có địa vị trở nên có giá cả phải chăng và có sẵn khắp nơi, thì loại hàng hóa này sẽ mất tính độc quyền và có thể mất đi giá trị của chúng. Những thứ này sẽ không còn là hàng hóa có địa vị nữa, và các hàng hóa có địa vị khác có thể sẽ thay thế chúng. 

Nhà kinh tế học Thorstein Veblen nổi tiếng với nghiên cứu về bối cảnh xã hội ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế như thế nào, đã giới thiệu thuật ngữ "sự tiêu dùng nhằm phô trương" (conspicuous consumption) để mô tả những quan sát của ông về cách mọi người có thể sử dụng hàng hóa để thể hiện địa vị xã hội. 

Ví dụ về hàng hóa có địa vị

Các thương hiệu xa xỉ hàng đầu như Louis Vuitton, Prada, Burberry và Rolex đều cố gắng thể hiện thanh thế của họ, và được coi là hàng hóa có địa vị. Nhiều xe thể thao cao cấp của Ý cũng giống vậy. Ví dụ, một chiếc Lamborghini cao cấp có giá hơn 200.000 USD (hơn 4,6 tỉ VNĐ) là một hàng hóa có địa vị.

Ngược lại, một chiếc Chevrolet Corvette có thể có công suất, tốc độ và khả năng tăng tốc tối đa tương tự Lamborghini, không phải là một hàng hóa có địa vị vì giá của nó thấp hơn nhiều. Trên thực tế thì Corvette có giá cao hơn nhiều so với các loại ô tô tầm trung, nhưng chúng có hàng chục ngàn chiếc được sản xuất mỗi năm và thương hiệu Chevrolet cũng không phải độc quyền.

Lamborghini là một hàng hóa có địa vị vì nó khó để mua hơn nhiều, do giá của nó và bởi vì chỉ có chưa tới 1.000 chiếc được sản xuất trong một năm nhất định. Hơn nữa, người chủ sở hữu xe Lamborghini muốn được gắn liền với thương hiệu xa xỉ, và họ không quan tâm rằng, Corvette mang lại hiệu suất tương tự với mức giá thấp hơn nhiều. 

Ví dụ tương tự với một loại đồ uống có cồn cao cấp có giá 250 đô la một chai. Đây cũng sẽ coi là hàng hóa có địa vị. Nếu đồ uống này trở nên phổ biến và công ty bắt đầu phân phối chúng rộng rãi đến nhiều đối tượng hơn, thay đổi giá thành 40 đô la một chai, thì nó sẽ không còn là hàng hóa có địa vị nữa, vì tính độc quyền do giá cao đã biến mất. 

(Theo Investopedia)

Ích Y