|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hạn ngạch nhập khẩu (Import Quota) là gì? Mục đích của quản lý nhập khẩu bằng hạn ngạch

16:18 | 08/10/2019
Chia sẻ
Hiện nay, tất cả các quốc gia muốn bảo vệ hàng hóa của quốc gia mình đều cần đưa ra hạn ngạch nhập khẩu (tiếng Anh: Import Quota) và hạn ngạch nhập khẩu ấy cần được tính toán trước khi quyết định để có thể mang lại được lợi ích tối ưu cho quốc gia của mình.
hạn ngạch nhập khẩu

Hình minh họa. Nguồn: fotolia

Hạn ngạch nhập khẩu (Import Quota)

Hạn ngạch nhập khẩu trong tiếng Anh gọi là Import Quota.

Hạn ngạch nhập khẩu thường là một hình thức hạn chế về số lượng và thuộc hệ thống giấy phép không tự động. Khi hạn ngạch ngập khẩu được qui định cho một loại sản phẩm đặc biệt nào đó, thì Nhà nước đưa ra một định ngạch (tổng định ngạch) nhập khẩu mặt hàng đó trong một khoảng thời gian nhất định không kể nguồn gốc hàng hóa đó từ đâu đến.

Đặc điểm quản bằng hạn ngạch

- Một là, quản về số lượng hoặc giá trị hàng hóa.

- Hai là, quản về thị trường xuất khẩu hoặc nhập khẩu.

- Ba là, quản về thời gian.

Phân loại hạn ngạch nhập khẩu

- Hạn ngạch nhập khẩu quốc gia: thị trường nhập khẩu là một quốc gia.

- Hạn ngạch nhập khẩu khu vực: thị trường nhập khẩu là một khu vực.

- Hạn ngạch nhập khẩu toàn cầu: thị trường nhập khẩu là tất cả các nước.

- Ngoài ra, các hạn ngạch hạn chế nhập khẩu thường được qui định kèm theo quản bằng biện pháp thuế quan nên được gọi ghép là hạn ngạch thuế quan. Hạn ngạch thuế quan là cắt giảm thuế quan đối với một số lượng hàng nhập khẩu nhất định. Hàng nhập khẩu vượt quá định mức này phải nộp thuế cao hơn. Trong đó có hai loại cơ bản là:

• Hạn ngạch thuế quan mở cửa thị trường tối thiểu.

• Hạn ngạch thuế quan theo mức độ mở cửa hiện hành.

Mục đích của quản nhập khẩu bằng hạn ngạch

- Thứ nhất, bảo hộ sản xuất trong nước: việc bảo hộ sản xuất nội địa có thể đạt được bằng biện pháp đánh thuế, cũng có thể đạt được bằng các biện pháp phi thuế quan khác, trong đó có hạn ngạch nhập khẩu.

- Thứ hai, sử dụng có hiệu quả quỹ tiền tệ: trong trường hợp cán cân thanh toán mất cân đối để hạn chế sử dụng ngoại tệ. Hạn ngạch là một trong những biện pháp có tác động mạnh, trực tiếp khắc phục tình trạng này thông qua việc hạn chế nhập khẩu.

- Thứ ba, thực hiện các cam kết của chính phủ ta với nước ngoài: hạn ngạch còn được cấp cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết mà Chính phủ đã ký kết với nước ngoài. Những cam kết này thường mang cả ý nghĩa chính trị và kinh tế.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Ngoại thương, NXB Lao động – Xã hội)

Đỗ Đức Nhượng