Giao dịch thủ công tại sàn giao dịch là gì?
Giao dịch thủ công tại sàn giao dịch
Định nghĩa
Lịch sử phát triển của sở giao dịch thế giới trải qua ba hình thức giao dịch bao gồm: giao dịch thủ công, giao dịch bán điện tử và giao dịch điện tử.
Giao dịch thủ công tại sàn giao dịch gắn với giai đoạn đầu phát triển của sở giao dịch chứng khoán. Người ta sử dụng các kí hiệu của tay và lời nói để thực hiện quá trình giao dịch như đặt lệnh, khớp lệnh, báo kết quả... Trên thế giới ngày nay, không còn sở giao dịch nào áp dụng phương thức này.
Hiểu về hình thức giao dịch thủ công
- Sàn giao dịch là một phòng rộng, xung quanh có nhiều bảng đen và ngày nay các bảng này được thay thế bởi các bảng giao dịch điện tử cỡ lớn. Những người môi giới khi nhận được lệnh mua bán từ khách hàng sẽ liên hệ với các chuyên gia chứng khoán chuyên về loại chứng khoán giao dịch để biết được các mức giá tốt nhất và khối lượng tại các mức giá.
- Sau đó, nhà môi giới sẽ tiến hành thương lượng với các nhà môi giới khác. Ban đầu họ thương lượng và thoả thuận với nhau theo các kí hiệu tay đã qui ước (theo bảng dưới), tuy nhiên các giao dịch tay chỉ tồn tại đến cuối thập niên 1980 do có sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống máy tính điện tử thay thế.
Thuật ngữ liên quan
Giao dịch điện tử là hình thức giao dịch tự động hóa hoàn toàn bằng hệ thống máy tính hiện đại để thực hiện các công việc: đặt lệnh, truyền lệnh, khớp lệnh, trả kết quả giao dịch, thanh toán bù trừ, lưu kí chứng khoán...
So sánh với các hình thức giao dịch khác (giao dịch thủ công, giao dịch bán điện tử), hình thức giao dịch này có khả năng nhận lệnh, truyền lệnh và xử lí lệnh nhanh nhất, chính xác nhất nhờ đó đáp ứng được khối lượng giao dịch ngày càng lớn của thị trường chứng khoán. Hiện nay, hầu hết các sở giao dịch trên thế giới đều áp dụng hình thức giao dịch này.
Giao dịch bán điện tử là hình thức kết hợp một phần nhỏ giao dịch thủ công với việc sử dụng hệ thống điện tử, máy tính hiện đại để thực hiện các khâu truyền lệnh, trả kết quả giao dịch, thanh toán bù trừ và lưu kí.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)