|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xuất hiện một chủng virus corona mới tại Trung Quốc

06:36 | 25/02/2025
Chia sẻ
Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã phát hiện một loại virus corona khác trên dơi.

Một khu nghiên cứu trong khuôn viên Viện Virus học Vũ Hán. (Ảnh: Getty Images).

Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) đã báo cáo về việc phát hiện một loại virus corona khác trên dơi.

Virus mới mang tên HKU5-CoV-2 và có khả năng xâm nhập vào tế bào con người bằng enzyme ACE2. ACE2 chính là thụ thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình lây lan của virus SARS-CoV-2 gần 5 năm trước.

Mặc dù các nhà khoa học chưa ghi nhận ca nhiễm nào trên người, thông tin này đã thúc đẩy giá cổ phiếu của các nhà sản xuất vắc xin tăng mạnh, theo ghi nhận của hãng tin Bloomberg.

Phản ứng của thị trường chứng khoán cho thấy nỗi lo không dứt của công chúng toàn cầu về các dịch bệnh trên động vật có khả năng gây ra các đợt bùng phát chết người.

Các chuyên gia đã biết gì về virus HKU5-CoV-2?

Các nhà nghiên cứu đã thu thập virus HKU5-CoV-2 từ một nhóm nhỏ gồm hàng trăm con dơi Pepistrellus được lấy mẫu trên khắp các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, An Huy và Quảng Tây của Trung Quốc.

Qua phân tích, họ nhận thấy chủng mới thuộc một dòng virus corona riêng biệt và có họ hàng xa với SARS-CoV-2. Virus gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) là một chủng thuộc dòng virus riêng biệt đó.

Đáng chú ý, virus HKU5-CoV-2 có thể xâm nhập vào tế bào con người bằng cách liên kết với thụ thể ACE2 - một loại protein trên bề mặt của nhiều tế bào. Cơ chế này tương tự với cách virus SARS-CoV-2 sử dụng để lây lan.

Các thí nghiệm cho thấy HKU5-CoV-2 cũng có thể lây nhiễm cho nhiều loài động vật có vú, chứng tỏ chủng này có khả năng lây truyền giữa các loài.

Nghiên cứu được dẫn dắt bởi nhà khoa học Shi Zheng-Li, người nổi tiếng với các nghiên cứu về virus trên dơi. Viện Virus học Vũ Hán chính là nơi từng đối mặt với các cáo buộc liên quan đến sự xuất hiện của SARS-CoV-2.

Chủng virus mới đe doạ sức khoẻ con người đến mức nào?

Theo Bloomberg, rủi ro từ virus HKU5-CoV-2 đến sức khoẻ con người vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù chủng này có thể lây nhiễm vào tế bào con người, chưa chắc nó có thể lây truyền mạnh từ người sang người và hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy nó đã lây nhiễm cho người.

c nhà nghiên cứu vẫn cần xác định mức độ phổ biển của HKU5-CoV-2 trong tự nhiên, bao gồm việc liệu chủng này có xuất hiện trong các động vật săn bắn hay động vật nuôi có thể lây lan qua con người hay không.

Mặc dù các nhà khoa học đang để mắt đến HKU5-CoV-2, không loại trừ khả năng có các loại virus khác nguy hiểm hơn và có thể gây ra rủi ro lớn hơn. Dơi là loài mang nhiều loại virus corona và là nơi khu trú tự nhiên của các virus như MERS, SARS-CoV-1 và SARS-CoV-2.

Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2021 đã phát hiện ra rằng hàng chục nghìn người ở Đông Nam Á có thể bị nhiễm virus corona từ động vật mỗi năm. Hầu hết các trường hợp không được phát hiện vì chúng chỉ gây các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Việc tiếp tục nghiên cứu là điều cần thiết để hiểu đầy đủ tác động tiềm tàng của HKU5-CoV-2 đối với sức khoẻ con người.

Dơi là vật chủ lý tưởng cho nhiều virus nguy hiểm. (Ảnh: Reuters).

Liệu chúng ta có khả năng chứng kiến ​​nhiều đại dịch hơn hay không?

Theo Bloomberg, câu trả lời là có. Nguy cơ lây lan một dịch bệnh mới trên toàn cầu đã tăng lên trong thời đại ngày nay do sự phát triển vượt bậc của du lịch hàng không và thương mại quốc tế.

Số lượt đi lại bằng đường hàng không đã tăng gấp đôi kể từ đầu thế kỷ này lên khoảng 4,5 tỷ vào năm 2019, tức trước khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến ngành du lịch và lữ hành.

Điểm đặc biệt đáng lo ngại là các virus lan truyền trong không khí như SARS-CoV-2 và cúm, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các đại dịch.

Tuy hầu hết các nhà khoa học nói có bằng chứng cho thấy COVID-19 là kết quả khi SARS-CoV-2 lan truyền tự nhiên từ động vật hoang dã, họ không loại trừ khả năng virus này có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học cũng lo ngại rằng những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có thể bị sử dụng sai mục đích để tạo ra các loại virus nguy hiểm.

Các dịch bệnh mới có thể đến từ đâu?

Khoảng 75% các virus gây bệnh mới có nguồn gốc từ động vật.

Ví dụ, các loài chim thuỷ sinh thường đóng vai trò là nơi khu trú tự nhiên của virus cúm. Chúng có thể mang virus mà không bị bệnh, do đó chúng có khả năng duy trì nguồn lây nhiễm có thể lây lan sang các loài khác.

Tương tự như vậy, loài dơi được biết đến là nơi khu trú của các loại virus như Ebola, Hendra và Nipah.

Những chỗ đậu lớn, đông đúc của các loài đó tạo điều kiện thuận lợi để virus lây lan qua máu, nước bọt, nước tiểu và phân. Sự xâm lấn của con người vào môi trường sống tự nhiên của động vật làm tăng khả năng các virus này lây từ động vật sang người.

Yên Khê