Nhà đầu tư nên làm gì khi VN-Index vượt 1.300 điểm?
Lần đầu tiên trong 2025, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán đã vượt 1.300 điểm. Đây là mốc tâm lý mà thị trường chưa thế bứt phá thành công trong suốt 2024.
Hiện VN-Index đã đạt cao nhất gần 3 năm (kể từ sau 8/6/2022). Hơn nữa, thanh khoản thị trường liên tục cải thiện so với giai đoạn cuối 2024. Riêng phiên 24/2, giá trị giao dịch toàn thị trường (trên HOSE, HNX và UPCoM) đã đạt xấp xỉ 23.300 tỷ đồng.

VN-Index kết phiên 24/2 trên 1.304 điểm, cao nhất trong gần 3 năm. (Biểu đồ: TradingView).
Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số - Tài chính thịnh vượng” ngày 24/2, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), đã đưa đánh giá về diễn biến của VN-Index và lời khuyên đến nhà đầu tư.
Với VN-Index, trên khía cạnh kỹ thuật, nhà phân tích VPBankS kỳ vọng chỉ số sẽ tăng lên 1.310 - 1.315 điểm trong thời gian tới, trước khi xuất hiện nhịp điều chỉnh tương đối lớn. Do đó, nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao được khuyến nghị không nên quá lo ngại trong ngắn hạn.
Theo ông, chỉ số đang neo ở mức trên 1.300 điểm, một phần nhờ đà tăng trong phiên của HPG của Tập đoàn Hòa Phát, một phần nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư trong nước. Sự lạc quan này được dự báo có thể kéo dài suốt thời gian còn lại quý I năm nay.
Với riêng HPG, cổ phiếu này được hưởng lợi từ thông tin Việt Nam sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với thép từ Ấn Độ và Trung Quốc. Đây đều là hai thị trường xuất khẩu thép mạnh vào Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với Hòa Phát. Hòa Phát đã trải qua những giai đoạn khó khăn nhất trong hoạt động kinh doanh.
Về khối ngoại, họ đã bán ròng khoảng nửa tỷ USD kể từ đầu năm. Ông Đức cho rằng xu hướng bán ròng của khối này sẽ không quá tiêu cực trong năm 2025. Hiện áp lực của đồng USD đã hạ nhiệt. Kinh tế Mỹ vẫn tốt nhưng định giá cổ phiếu tại Mỹ đã rất cao.
Một số nước châu Á đã bắt đầu hút tiền trở lại từ nhà đầu tư lớn, như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Việt Nam, với vị thế là thị trường cận biên và đang kỳ vọng năm nay nâng hạng lên mới nổi, sẽ thu hút sự quan tâm nhiều hơn của nhà đầu tư quốc tế.
Các nhà đầu tư quốc tế cũng đang quan sát vấn đề thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong kịch bản tích cực, kinh tế Việt Nam nửa sau năm 2025 sẽ khả quan, đồng thời kéo dòng tiền quốc tế quay trở lại.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu tư của FIDT, cũng nhận định sự bứt phá của VN-Index lên trên mốc 1.300 điểm trong phiên 24/2 không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật mà còn phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư.

(Nguồn: FIDT.
Đà tăng lần này có sự đồng thuận của nhiều nhóm ngành trụ cột, đặc biệt là thép, chứng khoán và ngân hàng. Nhóm thép dẫn dắt với HPG tăng 4,7%, hưởng lợi từ quyết định áp thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Chứng khoán cũng bứt phá mạnh khi BSI chạm trần, SSI, HCM, CTS tăng 2-4%, phản ánh kỳ vọng vào sự phục hồi thanh khoản. Ngân hàng, trụ cột chính của thị trường, cũng giao dịch tích cực với HDB, LPB, EIB, VIB, STB đồng loạt tăng giá.
Đặc biệt, thanh khoản thị trường bùng nổ trên 21.000 tỷ đồng, cao nhất trong gần ba tháng, khẳng định sự hưng phấn trở lại. Nhìn chung, thị trường đang có nền tảng vững chắc để duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nhà phân tích FIDT cho rằng rủi ro vẫn tồn tại. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 259 tỷ đồng, tập trung vào các mã lớn như FPT, HPG, cho thấy sự thận trọng. Mốc 1.300 điểm cũng là ngưỡng kháng cự quan trọng từng khiến thị trường điều chỉnh trong quá khứ.
Nếu thanh khoản duy trì ổn định, VN-Index có thể hướng đến các vùng kháng cự cao hơn. Ngược lại, nếu dòng tiền suy yếu và áp lực chốt lời gia tăng, khả năng điều chỉnh là điều khó tránh khỏi. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên theo dõi sát diễn biến thị trường để có chiến lược phù hợp.

(Nguồn: FIDT).
Chia sẻ sâu hơn về chiến lược hành động, ông Huy khuyên nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên cân nhắc chốt lời một phần, đặc biệt với nhóm thép, chứng khoán, ngân hàng - những ngành đã dẫn dắt đà tăng. Đồng thời đó là cơ cấu lại danh mục, ưu tiên cổ phiếu có nền tảng tài chính tốt và dư địa tăng trưởng dài hạn.
Nhà đầu tư tham gia mới cần tránh mua đuổi ở vùng giá cao do rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu, nên đợi nhịp điều chỉnh để tìm điểm vào hợp lý, tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng dài hạn thay vì chạy theo các mã đã tăng nóng.
Như đã đề cập, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng, cho thấy sự thận trọng nhất định. Nếu dòng tiền ngoại quay trở lại, thị trường sẽ có động lực tăng bền vững hơn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát các yếu tố vĩ mô, chính sách tiền tệ và diễn biến dòng tiền để điều chỉnh chiến lược phù hợp.
Ông nhấn mạnh trong giai đoạn này, quản trị rủi ro và linh hoạt danh mục quan trọng hơn việc chạy theo lợi nhuận ngắn hạn.
Về đánh giá một số lĩnh vực, đầu tiên, đối với ngân hàng, dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong VN30, nhóm này đang chịu áp lực giảm tỷ trọng trong kỳ cơ cấu sắp tới.
Tuy nhiên, về dài hạn, ngân hàng vẫn đóng vai tro nhóm ngành quan trọng, đặc biệt khi lãi suất có xu hướng ổn định và nhu cầu tín dụng phục hồi.
Thứ hai, ngành chứng khoán hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào dòng tiền nội. Nếu thanh khoản duy trì tốt và thị trường tiếp tục kỳ vọng vào nâng hạng, nhóm này có thể còn dư địa tăng.
Thứ ba, đối với thép, triển vọng ngành biến động phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào và nhu cầu xây dựng. Với triển vọng kinh tế ổn định, nhóm thép có thể phục hồi nhưng cần theo dõi các yếu tố vĩ mô như chính sách kích thích đầu tư công.
Thứ tư, nhóm bất động sản đang chịu áp lực thanh lọc nhưng có thể xuất hiện những cơ hội đầu tư giá trị với các doanh nghiệp có quỹ đất tốt, tình hình tài chính lành mạnh.
Về ý tưởng đầu tư cho thời gian tới, ông Huy quan tâm đến nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách tiền tệ và kích thích đầu tư công.
Các nhóm ngành như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi lớn từ các dự án đầu tư công đang được đẩy mạnh trong năm 2025. Những doanh nghiệp có năng lực thi công tốt, dư nợ vay hợp lý và tham gia vào các dự án lớn của Chính phủ có thể là lựa chọn đáng cân nhắc.
Cùng với đó là cổ phiếu ngành bán lẻ, tiêu dùng, khi hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế. Ngành bán lẻ và tiêu dùng dự kiến sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của thu nhập và chi tiêu của người dân. Những doanh nghiệp có hệ thống phân phối mạnh, thương hiệu lớn và khả năng mở rộng thị phần sẽ có tiềm năng tăng trưởng dài hạn.