|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giám đốc FastGo: Grab là mô hình kinh doanh cho thuê ngắn hạn

14:21 | 03/12/2018
Chia sẻ
Nói về bản chất hoạt động của Uber, Grab, giám đốc FastGo cho rằng đó là mô hình kinh doanh cho thuê ngắn hạn chứ không phải mô hình kinh tế chia sẻ.
 

Sau 9 tháng kiện tụng giữa Vinasun – Grab, cả giới taxi truyền thống, công nghệ đều nín thở chờ phán quyết mang tính lịch sử của tòa án. Phán quyết sẽ góp phần định danh hoạt động của Grab tại Việt Nam cũng như khung pháp lý cho mô hình kinh doanh ứng dụng gọi xe Việt. Tuy nhiên, hai bên đương sự bất ngờ đề nghị hòa giải trong phiên tòa ngày 30/11.

Khi nhiều chủ doanh nghiệp nhận định đây là tin tốt lành, mở ra chân trời mới startup công nghệ, thì giám đốc điều hành FastGo đưa ra quan điểm rằng, Grab không hoạt động dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ và mô hình của Grab khác FastGo. Trong quá trình vụ kiện Vinasun - Grab diễn ra, FastGo đã nộp đơn lên Tòa án TP Hồ Chí Minh.

Trên Quốc gia Khởi nghiệp, Nguyễn Hữu Tuất – CEO FastGo lý giải động thái gửi công văn lên tòa án. Anh cho biết, cộng đồng tồn tại hai ý kiến trái chiều từ phiên tòa sơ thẩm đầu tiên giữa Vinasun – Grab vào tháng 2. Một bên ủng hộ Grab như doanh nghiệp công nghệ, một bên đánh giá Grab hoạt động như công ty vận tải. Do đó, FastGo muốn góp tiếng nói giúp công luận, tòa án hiểu rõ hơn bản chất hoạt động của mô hình công ty công nghệ khi ứng dụng vào lĩnh vực vận tải.

ceo fastgo grab la mo hinh kinh doanh cho thue ngan han
Nguyễn Hữu Tuất - CEO ứng dụng gọi xe FastGo.

“Các nhà kinh tế thế giới chưa thực sự tìm hiểu rõ mô hình nào thực sự là mô hình kinh tế chia sẻ. Uber hay Grab đang thiên hướng sang một nền kinh tế mới là cho thuê ngắn hạn. Mô hình cho thuê ngắn hạn phản ánh đúng, rõ hơn bản chất hoạt động của họ”, Tuất bình luận.

Theo anh Tuất, Grab gọi tên là ứng dụng gọi xe nhưng đang hoạt động kinh doanh vận tải. Anh cho rằng, lĩnh vực gọi xe có mô hình kinh doanh trực tiếp và mô hình gián tiếp. FastGo là ứng dụng gọi xe vì đóng vai trò trung gian cung cấp nền tảng cho đơn vị kinh doanh trực tiếp.

Lập luận của Tuất là FastGo khác Grab trước hết ở khâu điều hành. Thay vì khóa tài khoản khi tài xế từ chối hoặc không đón khách, FastGo cho phép lái xe quyền tự do lựa chọn. Về thanh toán, Grab thu tiền từ khách hàng rồi trả cho đối tác lái xe, còn tiền xe của người dùng FastGo chuyển qua ví tài khoản của đối tác lái xe. Ngoài ra, FastGo công bố cách tính giá cước cho tài xế, khách hàng.

Thường xuyên sử dụng ứng dụng gọi xe, chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam khẳng định, FastGo hay Grab đều như nhau. Thậm chí, với vị trí người tiêu dùng, ông thích cách điều hành của Grab hơn FastGo và không quan tâm đối tượng thu tiền, cách tính giá cước, miễn là giá rẻ.

Tiến sĩ Nam bày tỏ quan điểm, FastGo sở hữu sự tự do kinh doanh khiến Grab phải ghen tị. Bởi, Grab và đối tác phải hoạt động dưới sự kiểm soát của Nghị định 86, quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải, còn FastGo không chịu sự quản lý nào.

“FastGo hay Grab đều hình thành dịch vụ vận tải thì đều phải chịu sự quản lý của nhà nước. Nước ta cần môi trường chung rộn ràng thay vì phân biệt mô hình này là ứng dụng, mô hình kia là vận tải”, Nam nhấn mạnh.

Quan điểm của CEO FastGo, chuyên gia hay những tranh cãi dai dẳng trong vụ Vinasun kiện Grab đều khẳng định tầm quan trọng của việc định danh, khung pháp lý với dịch vụ gọi xe công nghệ, đặc biệt ứng dụng gọi xe Việt trong tương lai. “Tôi hy vọng tòa sẽ đưa ra phán quyết công bằng để tránh sự lo ngại không đáng cho đầu tư công nghệ vào Việt Nam”, Nam nói.

Doanh nhân Hữu Tuất chia sẻ sự mong mỏi khung pháp lý sớm ra đời sẽ chấm dứt việc thí điểm gây hoang mang cho doanh nghiệp. Từ đó, các đơn vị mới được bảo vệ, tham gia công bằng vào thị trường gọi xe.

Xem thêm

Bùi Mến