|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Franc Thụy Sĩ (Swiss Franc - CHF) là gì? Đặc điểm

12:02 | 29/06/2020
Chia sẻ
Franc Thụy Sĩ (tiếng Anh: Swiss Franc, viết tắt: CHF) là tiền tệ của Thụy Sĩ.
Franc Thụy Sĩ (Swiss Franc - CHF) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Emerging Europe.

Franc Thụy Sĩ

Khái niệm

Franc Thụy Sĩ tiếng Anh là Swiss Franc, viết tắt là CHF.

Franc Thụy Sĩ (CHF) là tiền tệ của Thụy Sĩ. Chữ viết tắt "CHF" có nguồn gốc từ tên Latin của quốc gia, "Confoederatio Helvetica", trong đó chữ "F" là viết tắt của "franc". Đồng franc Thụy Sĩ được chính thức công nhận là tiền tệ của Thụy Sĩ vào tháng 5/1850, khi nó thay thế một số loại tiền do các bang khác nhau phát hành.

Đặc điểm của Franc Thụy Sĩ

Thụy Sĩ bao gồm 26 bang (hay còn gọi là các quốc gia thành viên) khác nhau, và có 4 ngôn ngữ chính thức: tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romansh. Đồng franc Thụy Sĩ là một trong số ít các đặc điểm thống nhất của đất nước, đó cũng là đồng tiền pháp định trong Công quốc Liechtenstein. Hiến pháp Liên bang Thụy Sĩ năm 1848 qui định rằng chỉ chính phủ liên bang mới được phép phát hành tiền và đồng franc được ra mắt 2 năm sau đó.

Có tổng cộng trung bình 72.255 nghìn tỉ franc Thụy Sĩ đang lưu hành trung bình trong năm 2016, theo Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.

Đồng franc Thụy Sĩ được phát hành lần đầu tiên vào năm 1850 và có vị trí tương đương với đồng franc Pháp. Từ năm 1865 đến những năm 1920, Thụy Sĩ, Bỉ, Pháp và Ý đã thành lập Liên minh tiền tệ Latinh, giá của cả bốn loại tiền tệ đều được liên kết với giá bạc. 

Đồng franc Thụy Sĩ là một phần của hệ thống tỉ giá hối đoái Bretton Woods được thành lập sau hậu quả của Thế chiến II và tồn tại đến đầu những năm 1970. Tỉ giá hối đoái của tiền tệ được gắn với giá vàng cho đến khi trưng cầu dân ý vào tháng 5 năm 2000.

Từ năm 2003 đến 2006, đồng franc Thụy Sĩ đã ổn định so với đồng Euro. Nó thậm chí còn được định giá cao hơn USD trong năm 2008.

Thụy Sĩ được biết đến với tính trung lập: Nó không tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang nào kể từ năm 1815. Các ngân hàng của đất nước đã có chính sách bảo mật thông tin có từ thời Trung cổ, và điều này đã được sửa đổi thành luật năm 1934. Luật bảo mật đã được sửa đổi vào năm 2009 để hạn chế tình trạng trốn thuế của các chủ tài khoản không phải người Thụy Sĩ.

Franc Thụy Sĩ – tài sản trú ẩn an toàn

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ từ lâu đã tuân theo chính sách lạm phát bằng 0. Điều này kết hợp với tính trung lập chính trị của đất nước, biến đồng franc thành một loại tiền tệ đặc biệt mạnh và ổn định. Franc Thụy Sĩ được đánh giá là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kì bất ổn kinh tế và chính trị, đó là trường hợp khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu nổ ra vào năm 2008.

Vào tháng 9 năm 2011, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã bắt đầu một chính sách can thiệp tích cực vào thị trường tiền tệ kết hợp với việc cắt giảm lãi suất nhằm làm suy yếu đồng Franc so với đồng Euro, giới hạn ở mức 1,20 Franc so với đồng Euro. SNB đã đưa ra chính sách lãi suất âm vào tháng 12 năm 2014, nhưng đồng tiền vẫn tiếp tục tăng giá. 

Giới hạn 1,20 đã bị loại bỏ vào tháng 1 năm 2015. Chứng khoán Thụy Sĩ đã giảm mạnh, trong khi đồng franc Thụy Sĩ tăng vọt khoảng 30% so với đồng Euro trong vòng vài phút. Một số nhà đầu tư và công ty đã bị thua lỗ nặng.

Mặc dù nổi tiếng là tài sản trú ẩn an toàn, nhưng đồng franc Thụy Sĩ không phải là tiền tệ dự trữ. Những giao dịch goại thương liên quan đến Thụy Sĩ thường được thanh toán bằng Euro hoặc USD, không phải bằng đồng Franc Thụy Sĩ.

(Theo Investopedia)

Hoàng Vy