|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đồng đô la yếu (Weak Dollar) là gì? Tác động của Đồng đô la yếu lên Du lịch và Thương mại

10:17 | 30/12/2019
Chia sẻ
Đồng đô la yếu (tiếng Anh: Weak Dollar) là thuật ngữ chỉ hiện tượng đồng đô la Mỹ có xu hướng giảm giá trị so với các loại tiền tệ khác.
Đồng đô la yếu (Weak Dollar) là gì? Tác động của Đồng đô la yếu lên Du lịch và Thương mại  - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Aawsat.com

Đồng đô la yếu

Khái niệm

Đồng đô la yếu trong tiếng Anh là Weak Dollar.

Đồng đô la yếu là thuật ngữ chỉ hiện tượng đồng đô la Mỹ có xu hướng giảm giá trị so với các loại tiền tệ khác.

Loại tiền tệ được so sánh với đô la Mỹ phổ biến nhất là Euro, nếu đồng Euro tăng giá so với đồng đô la, đồng đô la được cho là đang suy yếu tại thời điểm đó. 

Về cơ bản, đồng đô la yếu có nghĩa là một đồng đô la Mỹ chỉ đổi được với số lượng ngoại tệ ít hơn trước đó. 

Đặc điểm đồng đô la yếu 

Hiện tượng đồng đô la yếu đem lại một số hậu quả, cả tích cực lẫn tiêu cực. 

Hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn nhưng cũng có nghĩa là xuất khẩu tăng lên do giá trị đồng đô la giảm dẫn đến giá các sản phẩm xuất khẩu giảm xuống, khiến chúng hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng ở nước ngoài. 

Ngược lại, giá trị đồng đô la tăng làm giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu. Mỹ là quốc gia thâm hụt thương mại so với các quốc gia khác, hay Mỹ là quốc gia nhập khẩu ròng.     

Một quốc gia có giá trị nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu thường ưa thích những chính sách duy trì đồng tiền mạnh

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều quốc gia phát triển đã bắt đầu theo đuổi các chính sách nghiêng về tiền tệ yếu hơn để thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng sức cạnh trên thị trường quốc tế. 

Đồng đô la yếu cho phép các nhà máy ở Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh và sản xuất nhiều hơn, từ đó nhu cầu sử dụng nhân công cao hơn và cuối cùng kích thích nền kinh tế Mỹ. 

Tuy nhiên, ngoài các yếu tố kinh tế cơ bản như GDP hay thâm hụt cán cân thương mại, có nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến thời kì đồng đô la yếu.     

Đồng đô la yếu và Chu kì kinh tế 

Đồng đô la yếu mô tả một khoảng thời gian đồng đô la Mỹ giảm giá kéo dài chứ không chỉ các biến động giá ngắn hạn trong vòng hai hay ba ngày. 

Giống như chu kì kinh tế, tiền tệ của một quốc gia là cũng theo một chu kì, do đó, các giai đoạn tăng giá hay giảm giá kéo dài đồng tiền quốc gia là không thể tránh khỏi. 

Nguyên nhân thường là do các sự kiện địa chính trị, các cuộc khủng hoảng do thời tiết khí hậu, căng thẳng tài chính từ việc xây dựng quá mức hay xu hướng dân số giảm dần,… 

Các tác nhân này có thể gây áp lực tăng giá hoặc giảm giá tiền tệ của một quốc trong một vài năm hoặc thậm chí nhiều thập kỉ.   

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sử dụng các chính sách tiền tệ thắt chặt hoặc thả lỏng để điều chỉnh đồ đông la. Với chính sách tiền tệ thắt chặt, Fed tăng lãi suất làm đồng đô la Mỹ tăng giá. 

Lợi suất cao hơn sẽ thu hút đầu tư từ nước ngoài khiến cầu đồng đô la tăng lên, có thể đẩy giá trị đồng đô la Mỹ cao hơn trong một thời gian sau đó. 

Ngược lại, đồng đô la yếu hay đồng đô la giảm giá khi Fed hạ lãi suất trong các chính sách tiền tệ nới lỏng. 

Tác động lên Du lịch và Thương mại 

Hiện tượng đồng đô la yếu không phải lúc nào cũng xấu mà tùy thuộc vào loại giao dịch nào đang thực hiện. 

Ví dụ, đồng đô la yếu là tin xấu cho các công dân Mỹ muốn đi du lịch ở nước ngoài, nhưng là tin tốt cho các địa điểm du lịch ở Mỹ vì nó có nghĩa là Mỹ sẽ được nhiều khách du lịch quốc tế đến hơn do chi phí rẻ hơn. 

Đặc biệt hơn, đồng đô la yếu có thể làm giảm thâm hụt thương mại một cách hiệu quả. Do hiện tượng này khiến cho xuất khẩu của Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, thúc đẩy hoạt động của các nhà sản xuất Mỹ.  

(Theo Investopedia)

Lê Thảo