Thâm hụt thương mại (Trade Deficit) là gì? Những mặt lợi và hại
Hình minh họa. CNN.com
Thâm hụt thương mại
Thâm hụt thương mại, tiếng Anh gọi là trade deficit.
Thâm hụt thương mại là một thước đo trong thương mại quốc tế thể hiện việc một quốc gia đang nhập khẩu nhiều hơn so với xuất khẩu. Thâm hụt thương mại cho thấy dòng tiền nội địa đang chảy ra thị trường nước ngoài. Hay còn được gọi là cán cân thương mại âm.
Thâm hụt thương mại = Tổng giá trị nhập khẩu – Tổng giá trị xuất khẩu
Đặc điểm của thâm hụt thương mại
Các quốc gia ghi nhận lại hoạt động giao dịch trong sổ cái của cán cân thanh toán. Một trong những nguồn dữ liệu chính được thể hiện trong mục tài khoản vãng lai, mục này ghi nhận hàng hóa và dịch vụ được chuyển đi (xuất khẩu) hay nhận về (nhập khẩu). Tài khoản vãng lai còn thể hiện những chuyển nhượng trực tiếp như viện trợ nước ngoài, tài sản thu nhập như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cũng như cán cân thương mại.
Thâm hụt thương mại xảy ra khi một quốc gia không sản xuất đủ hàng hóa cho công dân trong nước. Tuy nhiên, đôi khi thâm hụt thương mại lại là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng của quốc gia đó đủ giàu có để có thể mua nhiều hàng hóa hơn khả năng sản xuất của quốc gia đó.
Mặt tốt của thâm hụt thương mại
Khi việc sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu, nhập khẩu hàng hóa từ những quốc gia khác sẽ gia tăng. Thâm hụt thương mại không nhất thiết là điều xấu bởi vì bản thân nó thường sẽ tự điều chỉnh qua thời gian.
Việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa nước ngoài sẽ giúp giảm giá hàng tiêu dùng trong nước vì tăng số lượng đối thủ cạnh tranh. Giá cả thấp cũng giúp giảm thiểu lạm phát của nền kinh tế trong nước. Nhập khẩu tăng còn làm đa dạng hóa mặt hàng và dịch vụ cho công dân của nước đó.
Một quốc gia đang phát triển mạnh có thể nhập khẩu nhiều do sự mở rộng của nó. Và công dân nước đó cũng tiêu thụ nhiều hơn khả năng sản xuất trong nước. Kết quả là việc thâm hụt thương mại cũng có thể là dấu hiệu nhận biết một quốc gia đang phát triển.
Tác động của thâm hụt thương mại đối với việc làm
Trong dài hạn, thâm hụt thương mại có thể dẫn đến giảm việc làm. Nếu một quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa từ những công ty nước ngoài thì giá cả sẽ giảm và những công ty trong nước không thể sản xuất với chi phí thấp hơn để cạnh tranh.
Các công ty sản xuất sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất khi một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Nó khiến cho số lượng việc làm bị giảm thiểu và thu nhập của công nhân viên cũng giảm do sự cạnh tranh đến từ những hàng hóa nhập khẩu. Giảm thiểu việc làm khiến cho hàng hóa được sản xuất ra ít hơn và dẫn đến việc thâm hụt thương mại ngày càng lớn.
Thâm hụt thương mại của Mỹ đang ngày càng tăng trong vài thập kỉ vừa qua và điều này làm cho các nhà kinh tế học lo lắng. Một lượng lớn USD đang được nắm giữ ở nước ngoài và chúng có thể bị bán bất kì lúc nào. Nếu cầu bán USD tăng vọt thì sẽ khiến cho giá trị đồng USD bị giảm và làm yếu sức mua đối với những hàng hóa nhập khẩu.
(Theo Investopedia)