|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, giá cám gạo lập đỉnh mới

20:01 | 29/05/2022
Chia sẻ
Giá cám gạo trong nước tăng lên mức kỷ lục 8.900 đồng/kg do các đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, trong khi các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước cũng chuyển sang dùng cám gạo thay thế cho ngô, lúa mì có giá tăng phi mã do xung đột giữa Nga và Ukraine.

Giá cám gạo lập đỉnh mới, đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh

Sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, giá cám gạo trong nước đã liên tục tăng và đạt mức kỷ lục 8.900 đồng/kg vào cuối tháng 5 vừa qua, tương ứng tăng 16,3% (1.250 đồng/kg) so với cuối tháng 2 và tăng 1.400 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, giá cám gạo thậm chí đã ngang bằng với giá gạo thành phẩm IR 504, đồng thời cao hơn mức giá 8.300 đồng/kg của gạo nguyên liệu IR 504 và mức giá 8.600 đồng/kg của tấm gạo. Đây là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử ngành gạo.

Theo thông tin từ phía các doanh nghiệp, giá cám gạo tăng cao chủ yếu là do các đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến.

(Tổng hợp và đồ thị Hoàng Hiệp)

Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 213.021 tấn cám gạo và phụ phẩm ngũ cốc của Việt Nam với giá trị 86,4 triệu USD, tăng gần 2 lần (95%) về lượng và tăng 2,1 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Một số chuyên gia cho rằng nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, xuất khẩu cám gạo và phụ phẩm ngũ cốc của Việt Nam sang Trung Quốc có thể vượt qua kỷ lục của năm ngoái.

Năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu khối lượng kỷ lục 444.268 tấn cám gạo và phụ phẩm ngũ cốc sang Trung Quốc, tăng hơn 2 lần so với năm 2020.

Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp cám gạo và phụ phẩm ngũ cốc lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm hơn 90% tổng nhập khẩu của nước này. Đồng thời khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh đã đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu lớn thế giới trong lĩnh vực này.

Cuối tháng 3 vừa qua, trang vietgo.vn đưa tin một công ty có trụ sở tại Hong Kong có nhu cầu nhập khẩu 10.000 tấn cám gạo/tháng để làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc và đang tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam. Công ty này cho biết đang cần số lượng lớn nguyên liệu cho quá trình sản xuất hỗn hợp thức ăn chăn nuôi.

Việc các đối tác đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cám gạo nhập khẩu từ Việt Nam cho thấy nhu cầu đối với mặt hàng này của Trung Quốc đang ở mức rất cao, điều này được cho là sẽ hỗ trợ giá cám gạo trong thời gian tới và mang về nguồn thu đáng kể cho ngành nông nghiệp.

  Số liệu từ Hải quan Trung Quốc. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Thực tế, nhập khẩu cám gạo của Trung Quốc bắt đầu tăng cao vào năm ngoái sau khi Bộ Nông nghiệp nước này đưa ra hướng dẫn dùng gạo, cám gạo, khoai mì, lúa mạch và lúa miến để thay thế bắp làm thức ăn chăn nuôi khi giá ngô đã tăng hơn 30% so với năm trước đó. Tương tự như vậy là các loại nông sản khác để thay thế đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.

Sang đến đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục tăng cường hơn nữa nhập khẩu cám gạo từ Việt Nam và gạo tấm từ Ấn Độ để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là ngô và lúa mì tăng phi mã do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine.

Nước này đã đặt tới hai triệu tấn ngô nhập khẩu từ Ukraine trong năm nay, nhưng hầu hết các lô hàng này có nguy cơ không đến được Trung Quốc do sự gián đoạn chuỗi hậu cần của Ukraine.

Trung Quốc tiêu thụ đến 175 triệu tấn bắp mỗi năm để làm thức ăn chăn nuôi, vào năm ngoái nước này đã nhập khẩu kỷ lục 28,3 triệu tấn bắp. Nước này cũng nhập khoảng 100 triệu tấn đậu tương làm thức ăn chăn nuôi mỗi năm. 

Nhu cầu cám gạo trong ngành chăn nuôi trong nước cũng đang tăng lên

Không chỉ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, đà tăng của giá cám gạo còn được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước đang tăng lên.

Một số doanh nghiệp cho biết, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao và nhập khẩu gặp khó khăn do cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung ngô và lúa mì cho sản xuất trong nước bị ảnh hưởng.

Do đó, các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước đang chuyển sang các nguồn nguyên liệu thay thế khác có giá rẻ hơn và cám gạo đang là mặt hàng được lựa chọn. 

Cuối tháng 5 vừa qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi, với mức tăng từ 300 – 400 đồng/kg. Đây là đợt tăng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm 2022, theo báo Thanh Niên.

Lý giải việc giá tăng, các doanh nghiệp cho biết giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên phải điều chỉnh cho phù hợp.

Trong khi giá thức ăn phi mã, giá heo ba miền lại tiếp tục đi ngang, dao động 55.000 - 58.000 đồng/kg. Điều này khiến giá thành sản xuất cao hơn giá bán, nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV), giá cả đầu vào của ngành chăn nuôi tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất chăn nuôi.

Hiện, chăn nuôi Việt Nam đang phụ thuộc khoảng 70% lượng thức ăn nhập khẩu, tính riêng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp khoảng 90% và chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia như Mỹ, Argentina, Brazil, Ukraine, Ấn Độ…

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch AHAV cho biết: “Hiện nay, người chăn nuôi nông hộ đang sử dụng gần như 100% thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Bởi vậy, việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã trực tiếp ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của những hộ chăn nuôi này. Theo nghiên cứu sơ bộ, chi phí sản xuất của chăn nuôi nông hộ luôn cao hơn so với chăn nuôi công nghiệp từ 10 – 15%”.

Trước thực trạng trên, đại diện AHAV cũng đưa ra một số giải pháp cho ngành chăn nuôi Việt Nam, bao gồm giảm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, giảm tỷ lệ chăn nuôi lợn, gia cầm, tăng cơ cấu chăn nuôi gia súc.

Hoàng Hiệp

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.