|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sau lúa mì, đường, Ấn Độ có thể xem xét hạn chế xuất khẩu gạo

18:25 | 26/05/2022
Chia sẻ
Gạo có thể là mục tiêu bảo vệ tiếp theo của Ấn Độ sau khi quốc gia Nam Á hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường, theo các chuyên gia. Động thái này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực toàn cầu vì gạo là một lương thực quan trọng.

Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường đã gây chấn động khắp các thị trường toàn cầu vì nó đánh dấu sự leo thang trong chủ nghĩa bảo hộ lương thực, với nhiều quốc gia giảm xuất khẩu nguồn cung trong nước ra thế giới.

Một động thái tương tự đối với gạo của nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới vào thời điểm giá các loại cây trồng như lúa mì và ngô tăng cao có nguy cơ đẩy thêm hàng triệu người vào tình trạng đói và tăng nguy cơ lạm phát.

Theo nguồn tin của New Delhi, tình hình giá của các mặt hàng thiết yếu, gồm cả gạo non-basmati, đang được theo dõi chặt chẽ và chính phủ sẽ đưa ra hành động nhanh chóng nếu giá những mặt hàng này tăng lên.

Chính quyền New Delhi đã thông báo sẽ hạn chế xuất khẩu đường từ ngày 1/6. Ngày 24/5, Cơ quan Ngoại thương Ấn Độ cho biết chính phủ sẽ cho phép xuất khẩu 10 triệu tấn đường. 

“Chính phủ đã áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu lúa mì, vì vậy, chỉ còn là vấn đề thời gian để các nhà chức trách xem xét việc hạn chế đối với xuất khẩu gạo", bà Radhika Piplani, chuyên gia kinh tế tại Yes Bank Ltd, cho biết.

Thách thức là liệu những hạn chế đó có giúp hạ nhiệt giá thực phẩm hay không và trong bao lâu, bà nói thêm. 

Ấn Độ là nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và đã xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2022.

Các quan chức cho biết những hạn chế xuất khẩu đối với năm sản phẩm đang được xem xét. Trong số đó, lúa mì và đường đã được áp dụng. Theo nguồn thạo tin, khối lượng xuất khẩu gạo tối đa có thể được quy định ở mức 10 triệu tấn như đường.

Chính phủ lo ngại về sự leo thang của lạm phát, vốn đã đạt mức cao nhất trong 8 năm là 7,79%.

Ấn Độ đã xuất khẩu 6,115 tỷ USD giá trị gạo non-basmati trong năm tài chính 2022. Đây là mặt hàng có thu nhập ngoại hối cao nhất trong số tất cả mặt hàng nông nghiệp.

Dữ liệu của chính phủ cho biết xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ đã tăng 109% từ 2,93 tỷ USD trong năm 2013 - 2014 lên 6,12 tỷ USD trong năm tài chính 2021 - 2022.

Tố Tố

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.