|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo sẽ tiếp đà tăng trưởng khi các quốc gia đẩy mạnh tích trữ lương thực

07:28 | 09/05/2022
Chia sẻ
Xuất khẩu gạo năm 2022 có thể đạt 6,5 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 nhờ nhu cầu khả quan của các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống, các nước khác cũng tăng nhập khẩu gạo để đảm bảo tiêu dùng và dự trữ quốc gia.

Trong báo cáo ngành lương thực, CTCK BIDV (BSC) cho biết trong quý I Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1,5 triệu tấn gạo, tương đương 731 triệu USD, tăng 26% về lượng và tăng 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

BSC cho rằng ngành lương thực có thể được hưởng lợi sau xung đột chính trị Nga – Ukraine. Việc gián đoạn nguồn cung lúa mì và ngô ở hai nước xuất khẩu hàng đầu đã khiến giá cả các loại thực phẩm tăng cao.

Mới đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) điều chỉnh giảm với dự báo thương mại ngũ cốc thế giới trong năm 2022 xuống còn 469 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2021.

Nguyên nhân là diện tích và sản lượng thu hoạch lúa mì ở Ukraine giảm mạnh trong khi các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ, châu Âu, Mỹ chỉ bù đắp được một phần.

Trong bối cảnh căng thẳng chính trị, lạm phát leo thang, thu nhập của người dân trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng đáng kể, người tiêu dùng có xu hướng tăng sử dụng các loại lương thực có giá thấp như gạo.

Ngoài ra, một động lực khác cho xuất khẩu gạo của Việt Nam là các quốc gia ngoài chiến sự cũng tăng nhu cầu tích trữ lương thực và sản phẩm thay thế nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

(Nguồn: BSC)

BSC nhận định từ yếu tố trên, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ duy trì trạng thái tích cực trong 2022.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,5 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 nhờ nhu cầu khả quan của các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống, các nước khác cũng tăng nhập khẩu gạo để đảm bảo tiêu dùng và dự trữ quốc gia.

Ở một khía cạnh khác, doanh nghiệp Việt đang tiến sâu hơn vào thị trường EU nhờ khai thác tốt lợi thế của EVFTA và đẩy mạnh quy chuẩn vùng nguyên liệu xuất khẩu.

Tuy nhiên BSC cho rằng giá nguyên vật liệu tăng cao và bất ổn chính trị kéo dài có thể khiến tỷ lệ sử dụng phân bón giảm, kéo theo năng suất lúa không được như kỳ vọng.

Ngoài ra, việc chuyển đổi loại hình trồng trọt khiến diện tích gieo trồng lúa bị thu hẹp, điều này khiến nguồn cung lương thực giảm cả về chất lẫn lượng trên diện rộng.

Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã tích cực triển khai hướng dẫn quy trình canh tác hợp lý và Bộ Tài Chính đã đề xuất thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón đảm bảo nguồn cung nội địa, góp phần hỗ trợ người dân giai đoạn khó khăn và đảm bảo chất lượng sản xuất. 

Hoàng Anh