|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung dồi dào đang ghìm chân giá gạo?

14:10 | 05/05/2022
Chia sẻ
Trong khi giá lương thực thế giới tăng lên mức cao kỷ lục dưới tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thì giá gạo lại mới chỉ nhích tăng nhẹ do bị kìm hãm bởi nguồn cung dồi dào.

Đà tăng bị hạn chế bởi nguồn cung dồi dào

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá lương thực thế giới lên mức cao kỷ lục trong khi các nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu… cũng thiết lập các mức cao mới. Tuy vậy, giá gạo mới chỉ nhích tăng nhẹ và vẫn thấp hơn đáng kể cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn cung dồi dào, tồn kho ở mức cao được cho là yếu tố chính đang ghìm đà tăng của giá gạo cho dù nhu cầu sử dụng mặt hàng này thay thế các loại ngũ cốc khác có xu hướng gia tăng. 

Tính đến cuối tháng 4, giá gạo 5% tấm của Thái Lan dao động ở mức 432- 435 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn so với trước khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra nhưng giảm 65 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng 2 nhưng giảm 80 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 415 USD/tấn.

Riêng giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm 9 USD/tấn so với cuối tháng 2 và giảm 25 USD/tấn so với cùng kỳ, xuống còn 361 - 365 USD/tấn.

Trong báo cáo tháng 4 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 đạt kỷ lục 513 triệu tấn (xay xát), giảm 1 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng hơn 4,2 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.

Trong khi đó, tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 ​​cũng được dự báo đạt mức kỷ lục 511,2 triệu tấn, tăng 0,1 triệu tấn so với dự báo trước đó và tăng hơn 7,7 triệu tấn so với niên vụ trước. Như vậy, tiêu thụ tăng mạnh nhưng nguồn cung gạo thế giới tiếp tục vượt nhu cầu khoảng 1,8 triệu tấn.

 Tổng hợp diễn biến giá gạo châu Á từ Reuters. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Các dự báo của USDA cho thấy sản lượng gạo tại các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan sẽ tăng đáng kể trong niên vụ 2021-2022. 

Sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến đạt 129 triệu tấn, tăng 4,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là vụ mùa có khối lượng cao kỷ lục thứ sáu liên tiếp của nước này.

Tương tự, sản lượng gạo của Trung Quốc trong niên vụ 2021-2022 được dự báo sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 149 triệu tấn, tăng 0,7 triệu tấn so với niên vụ trước. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng gạo toàn cầu mỗi năm.

Sản lượng vụ mùa 2021-2022 của Thái Lan cũng được dự báo sẽ tăng hơn 4% lên mức 19,7 triệu tấn do sản xuất phục hồi sau 2 năm gặp khó khăn do hạn hán.

Ngược lại, sản lượng gạo được dự báo sụt giảm ở Brazil, Colombia, Ai Cập, EU, Guyana, Indonesia, Iran, Iraq, Kazakhstan, Madagascar, Mali, Mexico, Nga, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Uruguay và Việt Nam.

Về tiêu thụ, USDA dự báo tiêu thụ gạo sẽ gia tăng tại nhiều quốc gia như Bangladesh, Brazil, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Colombia, Bờ Biển Ngà, Cuba…

Theo USDA, giá gạo của Ấn Độ hiện thấp hơn cả giá ngô và giá lúa mì. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra và có thể tác động đến sự lựa chọn của người tiêu dùng tại các quốc gia tiêu thụ cả lúa mì và gạo, bởi giá gạo thấp sẽ khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng gạo.

Trong đó, khu vực châu Phi cận Sahara là khu vực khá nhạy cảm về giá cả và với lượng tiêu thụ tương đương nhau của cả hai loại ngũ cốc trên người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng gạo có giá thấp hơn hoặc các loại gạo thay thế khác được sản xuất tại khu vực này.

Bên cạnh đó, mặc dù gạo ít khi được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi do giá thường cao hơn và dinh dưỡng thấp hơn các loại ngũ cốc khác nhưng việc sử dụng một lượng nhỏ làm thức ăn chăn nuôi lại đang có xu hướng gia tăng tại các nước sản xuất lúa gạo lớn, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Từ năm 2021 đến nay, Trung Quốc và Việt Nam đang nhập khẩu nhiều gạo tấm hơn để làm thức ăn chăn nuôi.

Thương mại tăng nhưng dự trữ vẫn ở mức cao

Cũng theo dự báo của USDA, thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022 dự kiến sẽ đạt kỷ lục 52,5 triệu tấn (xay xát), tăng hơn 1,1 triệu tấn so với dự báo trước đó và tăng 2% so với năm trước.

Trong đó, Thái Lan và Pakistan chiếm phần lớn sự gia tăng trong xuất khẩu gạo toàn cầu. Riêng xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến đạt 6,8 triệu tấn trong năm 2022, tăng 0,7 triệu tấn so với năm ngoái. Trong khi xuất khẩu của Pakistan dự kiến đạt 4,4 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn.

Ngược lại, xuất khẩu gạo của Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ dự báo giảm trong năm 2022, với các lô hàng xuất khẩu của Campuchia sụt giảm lớn nhất (giảm khoảng 0,4 triệu tấn).

Về nhập khẩu gạo toàn cầu, nhập khẩu dự kiến ​​sẽ tăng tại Brazil, Trung Quốc, Colombia, Cuba, Ai Cập, Ethiopia, Liên minh Châu Âu...

Đáng chú ý, nhập khẩu gạo của Trung Quốc, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới dự kiến ​​đạt 5,2 triệu tấn trong năm 2022, tăng gần 0,3 triệu tấn so với năm trước và là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, chủ yếu do nhu cầu cao hơn đối với gạo tấm từ Ấn Độ.

Nhập khẩu gạo tấm của Trung Quốc đang tăng nhanh bởi giá mặt hàng này không cao và có thể được nhập khẩu ngoài hạn ngạch với mức thuế chỉ 10%. Gạo tấm được Trung Quốc nhập khẩu nhằm thay thế cho ngô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi và được dùng để chế biến thực phẩm hay sản xuất rượu.

USDA cũng đưa ra dự báo dự trữ gạo cuối kỳ toàn cầu ở mức kỷ lục 188,8 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, giảm 1,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng hơn 1,8 triệu tấn so với niên vụ trước.

Ấn Độ chiếm phần lớn mức tăng dự kiến trong tồn kho gạo ​​toàn cầu niên vụ 2021-2022, với kỷ lục 41,5 triệu tấn, tăng hơn 4,5 triệu tấn so với niên vụ trước. Ngược lại, dự trữ cuối kỳ của Trung Quốc dự kiến ​​giảm 3,5 triệu tấn xuống 113 triệu tấn. Trung Quốc ​​chiếm khoảng 60% và Ấn Độ chiếm 22% tồn trữ gạo cuối kỳ toàn cầu trong niên vụ 2021-2022. 

Hoàng Hiệp

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.