|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đối tượng kế toán ngân hàng (Bank Accounting Object) là gì? Đặc điểm

13:08 | 04/09/2019
Chia sẻ
Đối tượng kế toán ngân hàng (tiếng Anh: Bank Accounting Object) là vốn và sự vận động của vốn, các khoản thu nhập, các khoản chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh trong quá trình hoạt động của hệ thống ngân hàng.

rAg-wzRxeW

Hình minh họa (Nguồn: Trung tâm đào tạo kế toán)

Đối tượng kế toán ngân hàng (Bank Accounting Object)

Khái niệm

Đối tượng kế toán ngân hàng trong tiếng Anh gọi là Bank Accounting Object.

Đối tượng kế toán ngân hàng là vốn và sự vận động của vốn trong quá trình hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng và thanh toán của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, nó phản ánh các khoản thu nhập, các khoản chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh.

Các khái niệm liên quan

Đối tượng phản ánh trước hết của kế toán ngân hàng là vốn và sự vận động của vốn trong quá trình hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng và thanh toán của hệ thống ngân hàng.

Vốn của hệ thống ngân hàng nói chung hay của từng đơn vị ngân hàng nói riêng luôn luôn tồn tại dưới hai hình thức là nguồn vốn và sử dụng vốn.

Trong đó, nguồn vốn chỉ những nguồn lực tài chính mà hệ thống ngân hàng có thể dựa vào để thực hiện các hoạt động kinh doanh và cung ứng dịch vụ tài chính đối với nền kinh tế, gồm vốn chủ sở hữu; các quĩ (trích lập từ lợi nhuận sau thuế); vốn huy động tiền gửi, tiết kiệm; vốn đi vay...

Nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm vốn và quĩ của Ngân hàng: Đó là số vốn của các chủ sở hữu mà Ngân hàng thương mại không phải cam kết thanh toán, chủ sở hữu sẽ được hưởng lợi từ kết quả kinh doanh theo tỉ lệ vốn đóng góp của mình. 

Nguồn vốn chủ sở hữu do chủ Ngân hàng và các nhà đầu tư góp vốn hoặc hình thành từ kết quả kinh doanh, do đó nguồn vốn chủ sở hữu không phải là một khoản nợ. Một Ngân hàng thương mại có thể có một hoặc nhiều chủ sở hữu vốn. 

Nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm: Số tiền góp vốn của các nhà đầu tư, tổng số tiền tạo ra từ kết quả kinh doanh (lợi nhuận chưa phân phối) và chênh lệch đánh giá lại tài sản, các quĩ của doanh nghiệp như: quĩ dự trữ bổ xung vốn điều lệ, quĩ đầu tư phát triển, quĩ dự phòng tài chính, quĩ khen thưởng phúc lợi...
Ngoài ra vốn chủ sở hữu còn gồm vốn đầu tư xây dựng cơ bản và kinh phí sự nghiệp kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp phát không hoàn lại...)

Nguồn vốn huy động là nguồn vốn tiền gửi, tiết kiệm, nguồn vốn phát hành kì phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi của các Ngân hàng thương mại, nguồn vốn đi vay... Đây là nguồn vốn chiếm tỉ trọng chính trong tổng nguồn vốn của Ngân hàng thương mại. 

Nguồn vốn huy động trở thành nguồn nguyên liệu chính cho hoạt động kinh doanh ngân hàng, nó quyết định qui mô hoạt động cũng như khả năng cạnh tranh của các ngân hàng đặc biệt là đối với các nghiệp vụ truyền thống (nhận tiền gửi và cho vay).

Sử dụng vốn là hoạt động mà Ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn của mình để một mặt là mua sắm TSCĐ, công cụ lao động, phương tiện làm việc, trang thiết bị cần thiết phục vụ kinh doanh như bất cứ doanh nghiệp nào khác...

Và phần sử dụng vốn chủ yếu đó là để thực hiện các hoạt động kinh doanh tiền tệ của mình như: Cho vay, đầu tư kinh doanh chứng khoán, vàng bạc, ngoại tệ, cấp vốn cho những đơn vị thành viên phụ thuộc, hùn vốn, góp vốn liên doanh, liên kết, mua cổ phần và không thể quên để một phần vốn khả dụng nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản. 

Đây là toàn bộ những tài sản thuộc sự kiểm soát của Ngân hàng thương mại. Những tài sản này hoặc trực tiếp mang lại thu nhập cho ngân hàng hoặc phát huy vai trò phục vụ cho hoạt động sinh lời của ngân hàng.

Bên cạnh việc phản ánh vốn và sự vận động của vốn trong quá - hoạt động kinh doanh, kế toán ngân hàng còn phản ánh kết quả của quá trình vận động vốn của ngân hàng trong một thời kì nhất. 

Nói cách khác, kế toán ngân hàng còn phản ánh các khoản thu nhập, các khoản chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh.

Đặc điểm

Thứ nhất, đối tượng của kế toán ngân hàng chủ yếu tồn tại dưới hình thái giá trị (tiền tệ) kể cả nguồn gốc hình thành cũng như quá trình vận động.

Thứ hai, đối tượng kế toán ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với đối kế toán các đơn vị, tổ chức kinh tế, cá nhân trong nền kinh tế thông qua quan hệ tiền gửi, tiền vay, thanh toán giữa ngân hàng và khách hàng.

Thứ ba, xét về qui mô và sự chu chuyển vốn thì đối tượng kể toán Ngân hàng có qui mô, phạm vi rất lớn và có sự tuần hoàn thường xuyên, liên tục theo yêu cầu chu chuyển vốn của nền kinh tế và theo yêu cầu quản lí kinh doanh của Ngân hàng.

Thứ tư, đối tượng kế toán Ngân hàng vừa là kế toán doanh nghiệp Ngân hàng vừa là kế toán cho xã hội thông qua các giao dịch giữa Ngân hàng khách hàng.

(Tài liệu tham khảo: Sách chuyên khảo Kế toán Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Tài Chính)

Thanh Hoa