|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đô thị hoá bền vững (Sustainable urbanization) là gì? Bản chất

12:30 | 27/03/2020
Chia sẻ
Đô thị hoá bền vững (tiếng Anh: Sustainable urbanization) là quá trình mở rộng đô thị trung tâm, kết nối với các chùm đô thị, các tuyến đô thị thành một mạng lưới đô thị.
Đô thị hoá bền vững (Sustainable urbanization) là gì? Bản chất - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: adb)

Đô thị hoá bền vững

Khái niệm

Đô thị hoá bền vững trong tiếng Anh được gọi là Sustainable urbanization.

Đô thị hoá bền vững là quá trình mở rộng đô thị trung tâm, kết nối với các chùm đô thị, các tuyến đô thị thành một mạng lưới đô thị. 

Đô thị bền vững xoá bỏ niềm tự hào về một thành phố độc quyền cực lớn dân số tập trung đông, xoá bỏ quan niệm lấy nông thôn vào đô thị để tạo nên nguồn nhân lực đô thị.

Đô thị hoá bền vững xuất hiện ở các nước châu Âu vào cuối thập niên 70 của thế kỉ XX.

Khác biệt với phát triển xã hội bền vững

Đô thị hoá bền vững khác khái niệm phát triển xã hội bền vững như sau:

Trong khi phát triển xã hội bền vững bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chú trọng đến bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Thì phát triển đô thị bền vững đòi hỏi tăng cường sức mạnh của đô thị trung tâm, cũng như cả một mạng lưới đô thị để phục vụ quá trình đô thị hoá nông thôn.

Đưa các khu công nghiệp, khu chế xuất, các dịch vụ thương mại, khoa học, công nghệ của nền văn minh đô thị về nông thôn, giữ lực lượng lao động trẻ ở lại nông thôn để tham gia vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hạn chế việc di dân từ nông thôn vào đô thị. 

Từ đó, xây dựng một mạng lưới đô thị mới với quá trình đô thị hoá nông thôn để hình thành các làng đô thị vệ tinh trong một chùm đô thị/ tuyến đô thị/ mạng lưới đô thị.

Như vậy, đô thị hoá bền vững không dừng lại ở quá trình chuyển biến/ sát nhập các vùng dân cư nông dân, nông thôn, nông nghiệp ở vùng ven đô vào đô thị trung tâm.

Mà là quá trình chú trọng chuyển dịch công nghiệp hoá, hiện đại hoá, văn minh và lối sống đô thị về nông thôn để đô thị hoá ở ngay các làng xã nông thôn; từ đó hình thành các chùm đô thị/ tuyến đô thị/ mạng lưới đô thị với vai trò đầu tàu/ hạt nhân là đô thị trung tâm.

(Tài liệu tham khảo: Nghiên cứu – trao đổi: Đô thị hoá và đô thị hoá bền vững ở Quảng Bình thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay, Đại học Khoa học Huế)


Diệu Nhi