|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ GVR: Đã tiêu thụ 150.000 tấn cao su với giá bán bình quân cao hơn 6 triệu/tấn so với cùng kỳ

10:19 | 17/06/2024
Chia sẻ
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của GVR đã thông qua việc bầu bổ sung hai thành viên HĐQT và một thành viên Ban Kiểm soát.

Sáng 17/6, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Mã: GVR) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 theo hình thức trực tuyến.

Tại thời điểm 8h, đại hội có sự tham gia của 35 cổ đông và đại diện uỷ quyền, đại diện cho 96,8% số cổ phần có quyền biểu quyết.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên. (Ảnh chụp màn hình).

Bầu bổ sung hai thành viên HĐQT

Tại đại hội, ĐHĐCĐ đã thông qua việc bầu bổ sung hai thành viên HĐQT là ông Đỗ Hữu Phước và ông Nguyễn Đông Phong. Trước đó tại kỳ họp bất thường hôm 29/3, cổ đông đã thống nhất miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT đối với ông Huỳnh Văn Bảo, ông Phạm Văn Thành, ông Phan Mạnh Hùng. 

Ông Đỗ Hữu Phước sinh năm 1968. Ông bắt đầu công tác ở GVR từ năm 2003 và kinh qua nhiều vị trí như Chuyên viên Ban Xây dựng Cơ bản, Phó ban Xây dựng Cơ bản, Trưởng Ban Xây dựng Cơ bản,... và hiện ông Phước đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc của GVR.

Số cổ phiếu GVR mà ông Phước nắm giữ là 12.800 cổ phần.

Ngoài GVR, ông Phước còn đang là người đại diện vốn của GVR tại CTCP Gỗ MDF VRG Dongwha, CTCP Gỗ MDF VRG Kiên Giang, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Tổng công ty Cao su Đồng Nai và tham gia HĐTV/ HĐQT các đơn vị nêu trên với vai trò Chủ tịch HĐTV/ HĐQT.

Còn ông Nguyễn Đông Phong sinh năm 1960. Ông Phong có nhiều năm làm giảng viên ở Trường Đại học Kinh tế TP HCM và hiện đang là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế TP HCM. Ông Phong sẽ làm thành viên độc lập HĐQT của GVR.

ĐHĐCĐ cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh Kiểm soát viên nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Đỗ Khắc Thăng. Đồng thời, bầu bổ sung ông Phạm Văn Hỏi Em thay thế ông Thăng. 

Ông Hỏi Em sinh năm 1975 và hiện đang làm Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán của GVR.

Chi 1.200 tỷ đồng trả cổ tức năm 2023

Năm 2024, lãnh đạo GVR dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và quốc tế, những thay đổi bất lợi về thời tiết, lãi suất và các yếu tố chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá thị trường của cao su và gỗ chưa có chuyển biến tích cực so với năm 2023… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn và các đơn vị thành viên

Năm 2024, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 24.999 tỷ đồng doanh thu và 3.437 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ 1-2% so với kết quả năm ngoái. Riêng chỉ tiêu cho công ty mẹ, kế hoạch doanh thu cũng nhích nhẹ hơn 1% lên 3.988 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1.454 tỷ, tăng gần 2% so với cùng kỳ.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất và kế hoạch 2024.

Thông tin về tình hình tiêu thụ, người đứng đầu tập đoàn cho hay đến nay GVR tiêu thụ khoảng 150.000 tấn, đạt 29% so với kế hoạch. Giá bán bình quân là 38,4 triệu đồng/tấn. Ông Trần Công Kha - Chủ tịch HĐQT chia sẻ: "Giá bán năm nay thuận lợi hơn và cao hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng và kỳ vọng giá bán sẽ tiếp tục ổn định và tăng trưởng trong những tháng cuối năm". 

Luỹ kế 5 tháng doanh thu của GVR đạt 7.119 tỷ đồng, đạt 28,5% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận đạt 1.108 tỷ đồng, thực hiện 32,2% mục tiêu năm. Tổng nộp ngân sách nhà nước là 750 tỷ, đạt 19% kế hoạch.

Doanh nghiệp cao su này cũng bất ngờ tăng chỉ tiêu đầu tư phát triển cho công ty mẹ lên tổng cộng 1.146 tỷ đồng (1.011 tỷ cho đầu tư xây dựng cơ bản và 145 tỷ cho đầu tư tài chính dài hạn), cao đột biến so với mức chi 13 tỷ đồng năm ngoái.  

Lãnh đạo tập đoàn cho biết số tiền trên được dùng chủ yếu cho việc vào đầu tư khu công nghiệp Hiệp Thạnh (Tây Ninh) và sắp tới sẽ tập trung đầu tư khu công nghiệp (KCN) tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai.  

Về định hướng kinh doanh đến 2025, toàn hệ thống tập đoàn sẽ trồng, chăm sóc, khai thác và kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su với diện tích khoảng 360.000 - 370.000 ha với sản lượng mủ cao su khai thác khoảng 400.000 tấn  

Tập đoàn sẽ đầu tư nâng công suất các nhà máy chế biến gỗ với sản lượng nguyên liệu khoảng 1,5 triệu m3 gỗ, phát triển các thương hiệu vỏ xe sản lượng 40.000 - 50.000 sản phẩm; đầu tư mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; phát triển khoảng 10.000 ha cây trồng các loại...

Cập nhật về tình hình triển khai các khu công nghiệp của tập đoàn, Chủ tịch HĐQT thông tin căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tập đoàn đang báo cáo và trình các cấp có thẩm quyền để xin ưu tiên cho tập đoàn và các đơn vị thành viên được làm chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su do tập đoàn quản lý. Diện tích cụ thể sẽ do các cấp có thẩm quyền quyết định.

Nói thêm về tình hình triển khai, khu công nghiệp Nam Tân Uyên đang triển khai theo đúng kế hoạch được phê duyệt, đang trình UBND tỉnh các thủ tục liên quan. 

Về khu công nghiệp Minh Hưng 3 và khu công nghiệp Rạch Bắp vẫn đang triển khai theo kế hoạch được phê duyệt và hiện cũng đang trình UBND tỉnh các thủ tục liên quan. 

Còn khu công nghiệp Minh Hưng 3 và Rạch Bắp giai đoạn 2 đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Về liên doanh Visorutex, Chủ tịch GVR cho biết liên doanh đã hết thời gian hoạt động theo nghị định thư của hai Chính phủ. Hiện tập đoàn đang báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định. 

Năm 2023, tập đoàn ghi nhận doanh thu 24.699 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 3.372 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm.

Với kết quả đạt được, mức chia cổ tức cho năm 2023 là 3% bằng tiền mặt. Với 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tập đoàn sẽ dự chi 1.200 tỷ đồng để trả cổ tức.

 Phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. (Nguồn: Tờ trình ĐHĐCĐ thường niên).

 Đại hội kết thúc lúc 11h30 với tất cả các tờ trình được thông qua.

Hoàng Kiều