|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Petrosetco: Thay ba thành viên HĐQT, muộn nhất 2025 PVN sẽ thoái vốn

12:37 | 14/06/2024
Chia sẻ
Chủ tịch HĐQT Petrosetco nhìn nhận, bên cạnh bối cảnh thị trường cũng có một yếu tố nội bộ HĐQT không cùng văn hóa, tầm nhìn dẫn đến một số quyết sách không kịp thời, thống nhất với nhau, phần nào ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh vài năm qua.

Sáng 14/6, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco - Mã: PET) đã tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 (lần hai).

Theo báo cáo túc số, tại thời điểm 8h30, tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự là hơn 62 triệu cp, chiếm tỷ lệ hơn 58%. Trước đó, cuộc họp lần thứ nhất (vào tháng 4) tổ chức bất thành do chỉ có hơn 36% số lượng quyền biểu quyết tham dự.

Thay ba thành viên HĐQT

Ngay trước thềm cuộc họp, công ty đã cập nhật tài liệu họp với việc trình miễn nhiệm thêm một thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) là ông Nguyễn Đức Minh, theo đơn từ nhiệm mới đây của ông Minh. Ông Minh đồng thời đã bán toàn bộ 2 triệu cp, tương ứng với 1,86% vốn.

Tổng cộng, đại hội bỏ phiếu về việc miễn nhiệm ba thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024 -2029 gồm ông Trịnh Thanh Cần, ông Nguyễn Quý Thịnh, và ông Nguyễn Đức Minh. Danh sách ứng viên gồm ông Nguyễn Như Long, ông Hồ Minh Việt và bà Phạm Thị Hồng Điệp.

Ông Nguyễn Như Long (sinh năm 1985) có trình độ Kỹ sư Công nghệ Vật liệu, Đại học Bách Khoa TP HCM; Thạc sĩ Kỹ thuật và Quản lý Sản xuất, Đại học Nottingham. Ông Long hiện là Tổng Giám đốc Tập đoàn Unis, và không sở hữu cổ phiếu PET.

Ông Hồ Minh Việt (sinh năm 1977) có trình độ Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Đại học Pacific Western. Ông Việt hiện là Phó Tổng Giám đốc Petrosetco; Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Thương mại và Dịch vụ Dầu khí Biển. Số lượng cổ phiếu PET nắm giữ là 245.100 cp, chiếm 0,23% vốn điều lệ.

Bà Phạm Thị Hồng Điệp (sinh năm 1974) có trình độ Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Marketing. Bà Điệp cũng đang là Phó Tổng Giám đốc Petrosetco. Số lượng cổ phiếu PET nắm giữ là 157.800 cp, chiếm 0,147% vốn điều lệ.

Chia sẻ về xáo trộn nhân sự ban lãnh đạo, ông Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch HĐQT cho biết vừa qua một thành viên HĐQT độc lập bị vướng vào pháp lý (ông Nguyễn Quý Thịnh), quan điểm của công ty là ai làm người đó chịu trách nhiệm, không ảnh hưởng đến việc thành viên khác từ nhiệm.

Tính đến cuộc họp ngày 14/6 có tổng cộng ba thành viên muốn từ nhiệm. Theo ông Hà điều này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Trong những năm trở lại đây, bên cạnh bối cảnh thị trường cũng có một yếu tố nội bộ HĐQT không cùng văn hóa, tầm nhìn dẫn đến một số quyết sách không kịp thời, thống nhất với nhau, phần nào ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Với việc thay mới ba thành viên, HĐQT kỳ vọng sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, phù hợp với văn hóa của Petrosetco, cùng chí hướng thì thời gian tới, đặc biệt qua 2025 khi PVN thoái vốn, sẽ tạo động lực tốt.

Đứng ở góc độ lãnh đạo công ty, ông Hà cho biết sẽ cố gắng hơn để 6 tháng cuối năm 2024 tạo động lực mới về tính đoàn kết, từ đó tạo kết quả, doanh số, lợi nhuận tốt hơn bù lại cho nửa năm đã qua, hướng đến lợi nhuận trước thuế 260 tỷ đồng cả năm, và cao hơn trong 2025.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 43%

Về kế hoạch kinh doanh, doanh thu năm nay dự kiến 18.540 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 260 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 43% so với thực hiện năm 2023. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2024 tối đa 10%. Công ty không thực hiện chia cổ tức năm 2023.

(Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Petrosetco).

Ông Vũ Tiến Dương, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Petrosetco, nhận định 2024 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với mảng phân phối khi kinh tế vĩ mô vẫn cho thấy rủi ro suy thoái toàn cầu ngày càng tăng, ảnh hưởng đến thị trường điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử.

Thị trường điện tử năm 2024 được dự đoán sẽ giảm 5 - 10% so với năm 2023. Phân khúc các sản phẩm công nghệ tầm thấp và trung sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố kinh tế vĩ mô, khiến những đối tượng thu nhập thấp lại bị giảm thu nhập dẫn đến thắt chặt chi tiêu và thận trọng hơn.

Ngược lại phân khúc sản phẩm cao cấp vẫn tăng trưởng về số lượng khi nhóm khách hàng có thu nhập cao ít bị tác động trước tình hình kinh tế, lạm phát, vẫn có khả năng và nhu cầu chi trả mua sắm.

Mặc dù phân khúc sản phẩm cao cấp vẫn tăng trưởng về số lượng, tuy nhiên về giá trị lại chiếm tỷ trọng không quá lớn trong toàn bộ ngành điện thoại dẫn đến ngành điện thoại di động dự báo năm 2024 vẫn giảm cả về số lượng và giá trị.

Đối với mảng dịch vụ, năm 2024 cho thấy sự khởi sắc của thị trường dầu khí trong nước với những dự án mới được phê duyệt.

“Kế hoạch năm 2024 được xây dựng dựa trên quan điểm thận trọng đối với những biến động không thuận lợi của tình hình kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong các tháng cuối năm. Các dự án dầu khí, các chiến dịch khoan trong ngành cũng sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới.

Đối với các sản phẩm ICT phân phối, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu thay thế mới vòng đời sản phẩm sau khoảng thời gian sử dụng từ 3 đến 4 năm trở lại đây kể từ năm 2020, đặc biệt là các sản phẩm có sự tích hợp các tính năng trí tuệ nhân tạo AI”, Tổng Giám đốc Petrosetco chia sẻ.

 Ông Vũ Tiến Dương và ông Phùng Tuấn Hà trả lời các câu hỏi của cổ đông. (Ảnh: X.N).

Phiên thảo luận

Lợi nhuận quý I giảm 0,8% so với cùng kỳ, thực hiện khoảng 19% kế hoạch năm. Năm nay công ty đặt kế hoạch tăng trưởng cao tại lĩnh vực phân phối và dịch vụ cung ứng và hậu cần. Cơ sở nào cho kế hoạch lợi nhuận hai lĩnh vực này tăng mạnh?

Tổng Giám đốc Vũ Tiến Dương: 2023 là năm khó khăn. Tuy nhiên năm 2024 nhiều tình hình khởi sắc hơn về thị phần, cũng như tình trạng bán phá giá giữa các đại lý bán lẻ đã được kiểm soát, từ đó biên lợi nhuận mang phân phối kỳ vọng cải thiện.

Năm nay công ty cũng đang ký thêm một số nhãn hàng mới nhằm gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Kế hoạch căn cứ tiến độ làm việc với các hãng và tình hình chung của thị trường. Tình hình thị trường chung 6 tháng đầu năm vẫn chưa tăng trưởng rõ rệt, kỳ vọng 6 tháng cuối năm doanh thu công ty sẽ cải thiện hơn.

Vì sao dòng tiền của công ty liên tục âm? Việc gia tăng khoản phải thu, hàng tồn kho có dẫn đến rủi ro khi tiêu thụ đang yếu?

Tổng Giám đốc Vũ Tiến Dương: Dòng tiền âm nhằm tối đa hóa dòng tiền, tạo ra thu nhập từ hoạt động tài chính. Hàng tồn kho, công nợ tăng do quy mô công ty tăng lên.

Tại báo cáo tài chính quý I/2024, khoản phải thu ngắn hạn khác tăng nhưng công ty không thuyết minh. Ban lãnh đạo chia sẻ biến động của khoản mục này?

Tổng Giám đốc Vũ Tiến Dương: Đây là các khoản hỗ trợ từ hãng tương ứng các khoản phải trả khác tăng do phải trả khách hàng.

Trước đây việc phân phối sản phẩm của Apple tại động lực tăng trưởng cho công ty. Vậy việc Apple bán sản phẩm trực tiếp tại Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến công ty?

Tổng Giám đốc Vũ Tiến Dương: Apple bán giá rất cao tại Apple Store nên không ảnh hưởng đến giá cũng như thị phần các đơn vị phân phối như Petrosetco. Bản thân Apple cũng không can thiệp vào giá tại thị trường Việt Nam.

Kế hoạch của Petrosetco với dự án Thanh Đa?

Chủ tịch HĐQT Phùng Tuấn Hà: Công ty vẫn đang tích cực tìm đối tác thích hợp. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đối tác phù hợp, thị trường bất động sản chưa hồi phục và việc Nhà nước tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai.

Tại sao công ty không chia cổ tức năm 2023?

Chủ tịch HĐQT Phùng Tuấn Hà: 2023 là năm khó khăn của ngành bán lẻ, ICT, không thuộc chu kỳ mua thay thế của các thiết bị này. Hàng tồn trên thị trường rất lớn, tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng, nhu cầu giảm làm doanh thu toàn ngành giảm.

Theo định hướng mảng này, công ty muốn giữ một phần lợi nhuận tại các công ty con để có nguồn lực, giúp các đơn vị này chủ động nguồn vốn cho các kế hoạch dài hạn, dần giảm mức bảo lãnh của Petrosetco tại công ty con.

Kế hoạch chia cổ tức năm 2024 như thế nào?

Chủ tịch HĐQT Phùng Tuấn Hà: HĐQT trình kế hoạch tối đa 10%, bằng tiền và/hoặc cổ phiếu, trong đó sẽ ưu tiền bằng tiền mặt.

PVN có kế hoạch thoái vốn tại Petrosetco như thế nào?

Chủ tịch HĐQT Phùng Tuấn Hà: Quyết định này sẽ thuộc về các cấp quản lý có thẩm quyền (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...), nhưng khả năng cao kế hoạch thoái vốn vào cuối năm 2025 sẽ được thực hiện theo đúng chủ trương đã phê duyệt.

Tính tới hết quý I, Tập đoàn PVN nắm 23,21% vốn của Petrosetco.

Năm 2023, công ty đã kinh doanh thêm nhãn hàng nào mới? Dự kiến 2024 sẽ có thêm nhãn hàng nào?

Tổng Giám đốc Vũ Tiến Dương: 2023 và quý I/2024 công ty đã ký thêm một số nhãn hàng mảng giải pháp hiển thị toàn diện cho các resort, khách sạn từ Samsung. Đây là mảng sản phẩm mới, trước đây Samsung làm trực tiếp với doanh nghiệp lắp đặt thiết bị tại resort, bây giờ Petrostco đứng ra làm phân phối.

Thứ hai là máy tính/thiết bị lưu trữ của nhãn hiệu Lenovo và Dell cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ ba là nhãn hiệu Aqua (máy nước nóng, TV…), Daikin (máy lạnh). Với mảng điện thoại, thời gian qua công ty cũng tiếp tục có nhiều nhãn hàng như Nokia, ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tốt trong thời gian tới.

Dự kiến năm 2024, công ty đang làm việc với một số nhãn hàng lớn tại thị trường Việt Nam. Khi có thông tin chính thức công ty sẽ thông báo sau.

Cuộc họp kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua.

Xuân Nghĩa