Lãnh đạo GVR: Giá cao su đang bất thường ngoài dự kiến, là mức chưa từng có kể từ năm 2011
Sáng 29/3 Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Mã: GVR) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 theo hình thức trực tuyến. Tại thời điểm 9h21, đại hội có 100 đại biểu tham dự, đại diện cho hơn 3,89 tỷ cổ phiếu có quyền tham dự, chiếm 97,39% tổng số phiếu có quyền biểu quyết. Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình được thông qua.
Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đã trình cổ đông kế hoạch hợp nhất kinh doanh năm 2024 với doanh thu và thu nhập khác là 24.999 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 3.437 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu trên gần như đi ngang so với kết quả thực hiện được năm 2023.
Về kế hoạch cổ tức năm 2024, GVR dự kiến chi trả tỷ lệ 3%, tương đương số tiền cần chi là 1.200 tỷ đồng. Về kế hoạch đầu tư phát triển cho năm 2024, doanh nghiệp dự rót 1.146 tỷ đồng để đầu tư, trong đó đầu tư xây dựng cơ bản là 1.001 tỷ đồng, còn lại là đầu tư tài chính dài hạn, gấp nhiều lần so với con số 13 tỷ đồng thực hiện của năm ngoái.
Lãnh đạo GVR cho biết số tiền 1.146 tỷ đồng sẽ được dùng để tập trung chủ yếu vào đầu tư khu công nghiệp Hiệp Thạnh (Tây Ninh) và sắp tới sẽ tập trung đầu tư khu công nghiệp (KCN) tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai.
Đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến hết năm 2025
Tại đại hội, ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc đã trình cổ đông đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến hết 2025. Năm 2025, GVR lên mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 28.575 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 5%. Tổng doanh thu hợp nhất giai đoạn 2021 - 2025 kỳ vọng 135.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm sau là 5.051 tỷ đồng; nâng tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất giai đoạn 2021 - 2025 lên 25.075 tỷ đồng.
GVR sẽ trồng, chăm sóc, khai thác và kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su với diện tích khoảng 360.000 - 370.000 ha (trong nước khoảng 245.000 - 255.000 ha, nước ngoài khoảng 115.000 ha), sản lượng mủ cao su khai thác khoảng 400.000 tấn, sản lượng tiêu thụ khoảng 500.000 tấn (bao gồm cao su gia công, thu mua), sản lượng gỗ cao su nguyên liệu khoảng 1,5 triệu m3 gỗ.
Đồng thời, GVR tiếp tục khai thác có hiệu quả các KCN, cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi; đẩy mạnh đầu tư mở rộng, đầu tư mới các KCN, cụm công nghiệp theo quy hoạch của địa phương và theo quy định pháp luật gắn với củng cố, phát triển doanh nghiệp.
Về tỷ lệ nhà nước sở hữu tại Tập đoàn, theo GVR, tỷ lệ phần vốn Nhà nước nắm giữ tại GVR hiện nay là 96,77% và tiếp tục thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Quyết định số 1479 về Kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025.
Về kế hoạch phân loại, sắp xếp các đơn vị thành viên của Tập đoàn đến hết năm 2025, GVR sẽ duy trì hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ đối với 20 công ty. Bên cạnh đó, GVR sẽ duy trì doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên đối với 13 công ty cổ phần; duy trì doanh nghiệp do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ đối với 9 công ty cổ phần,...
Ngoài ra, GVR có kế hoạch chuyển đối các đơn vị, chuyển nhượng vốn, sắp xếp, đầu tư thêm vốn, giải thể hoặc sáp nhập các công ty từ nay đến năm 2025.
Ông Hưng cho biết riêng việc sáp nhập Công ty TNHH MTV VRG Oudomxay vào CTCP Quasa Geruco dự kiến quý III tới sẽ hoàn thành. Còn việc sáp nhập Công ty TNHH MTV Cao su Quavan vào Công ty TNHH Cao su Việt Lào sẽ hoàn thành trong năm nay.
Ông Trần Công Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho biết GVR là một trong ba doanh nghiệp thuộc đề án thoái vốn Nhà nước đến hết năm 2025. GVR đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp cần thống nhất trình cấp trên cho phép tập đoàn chưa thực hiện thoái vốn đến hết 2025.
Nguyên nhân là, tập đoàn đang quản lý đất cao su và KCN khá lớn, cần thời gian dài để sắp xếp. Bên cạnh đó, GVR còn quản lý nhiều đơn vị thành viên, nên việc xác định giá trị doanh nghiệp mất nhiều thời gian.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch chuyển đổi đất cao su sang đất KCN, ông Trần Công Kha cho biết hiện có 3 tỉnh đã phê duyệt chuyển đổi quy hoạch cho GVR là tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước. Còn hai tỉnh là Bình Dương và Đồng Nai đang được phê duyệt. Tổng diện tích đất từ cao su sang đất KCN dự kiến là 25.000 ha.
Về đơn giá sử dụng đất của Nam Tân Uyên 3, đại diện GVR cho biết tỉnh Bình Dương đang giao Sở Tài nguyên Môi trường lấy ý kiến, dự kiến trung tuần tháng 4 tỉnh sẽ thông qua quy định này.
Dự báo diễn biến giá cao su năm 2024
Trần Thanh Phụng, Phó Tổng Giám đốc cho biết tính đến ngày 29/3, GVR đã tiêu thụ 101.000 tấn, đạt 19,45% kế hoạch cả năm. Giá bán trung bình trong quý I/2024 là 36,7 triệu/tấn, cao hơn cùng kỳ 4,1 triệu đồng. Trong khi giá bán trung bình năm 2023 là 32,5 triệu đồng/tấn.
Hiện nay giá cao su hiện hành khoảng 49 triệu đồng, tăng 12,5 triệu đồng/tấn so với đầu năm 2024. Ông Phụng đánh giá mức tăng này là tốt và bất thường ngoài dự kiến, và là mức chưa từng có kể từ năm 2011. Vị lãnh đạo nhìn nhận có nhiều nguyên nhân kép dẫn đến mức giá này, thứ nhất là do mùa thấp điểm sản xuất cao su và thứ hai là do thời tiết bất lời vùng Đông Nam Á đang trải qua khiến sản lượng thu hoạch thấp.
Phó Tổng Giám đốc GVR nhận định mức giá này chưa đúng với thị trường chung của năm 2024 và dự kiến chỉ kéo dài đến tháng 4 - 5, sau đó sẽ điều chỉnh giảm vào quý III và quý IV khi mùa cạo mủ đến khiến giá giảm do nguồn tăng trở lại và đồng USD tăng giá.
Tuy nhiên, ông Phụng vẫn nhìn nhận dù giá cao su điều chỉnh vào quý III – IV nhưng trung bình giá của năm 2024 vẫn cao hơn cùng kỳ 2 - 3 triệu đồng/tấn (xét theo kịch bản thận trọng), tức giá bán trung bình sẽ rơi vào khoảng 34 – 35 triệu đồng/tấn. Nhìn chung nhu cầu cao su toàn cầu vẫn không tăng trong năm nay, nhưng nguồn cung thiếu hụt, nhờ vậy nên giá cao su được duy trì ở mức tương đối cao so với 2023.