Vietnam Airlines giải quyết tình trạng thiếu hụt máy bay như thế nào?
Thông tin tại đại hội cổ đông gần đây, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (Mã: HVN) cho biết thị trường hàng không đang có những dấu hiệu tích cực cả ở nội địa và quốc tế.
Ông cho rằng thời điểm khó khăn nhất của ngành hàng không Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng đã qua. Thách thức của nhiều hãng bay ở thời điểm hiện tại là việc thiếu hụt máy bay trầm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khai thác, mở rộng mạng bay.
Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu máy bay là do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhà sản xuất máy bay lớn là Boeing bị kiểm soát chặt chẽ, cùng với đó là việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321, 320 NEO.
Trên thế giới hiện có trên 1.500 máy bay bị ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi, trong đó 340 chiếc phải dừng hoạt động. Đối với Vietnam Airline, hãng có 11 máy bay bị triệu hội động cơ, dự kiến cuối năm sẽ dừng thêm 6 chiếc.
Trong năm 2024, Pratt & Whitney sẽ thu hồi hơn 3.000 động cơ trên các máy bay, việc sửa chữa và bảo dưỡng động cơ sẽ kéo dài đến 200 ngày. Do đó, tình trạng thiếu máy bay của các hãng hàng không sẽ kéo dài hết năm 2024 và giảm dần vào năm 2025.
Vietnam Airlines “giải đề” ra sao?
Để ứng phó với tình trạng thiếu hụt máy bay, Vietnam Airlines cho biết đã làm việc với Pratt & Whitney về vấn đề cung cấp động cơ dự phòng và cung cấp lịch sửa chữa sớm nhất cho các động cơ bị ảnh hưởng. Đồng thời, hãng bay giảm tần suất khai thác một số chặng không hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các chặng bay chính.
Theo tiết lộ của lãnh đạo hãng hàng không quốc gia Việt Nam, số giờ bay của đội bay của hãng được tăng từ 15-20%, giúp phần nào bù đắp được việc thiếu máy bay.
Ngoài việc tăng giờ bay, Vietnam Airlines còn lùi lịch bán tàu bay để đáp ứng nhu cầu bay. Trước đó, hãng có kế hoạch việc bán 6 tàu A321CEO để đổi mới đội tàu bay nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Một phương án khác cũng đang được Vietnam Airlines hướng tới là xem xét tới dòng máy bay C919 do Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất. Hãng cho biết đang có đề án khai thác đội tàu bay này trong thời gian tới.
Việc gia tăng lượng tàu bay trong bối cảnh hiện nay không phải là phương án hãng bay nào cũng thực hiện được. Chia sẻ tại hội thảo hồi tháng 6, CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam cho rằng, thị trường thế giới vẫn còn tàu bay, chỉ cần các hãng chấp nhận trả giá cao hơn, "60 tàu hay thậm chí 100 tàu cũng có".
Song vị này cũng chỉ ra thực tế, các hãng không cố gắng đưa thêm tàu bay về bởi không có động lực kinh tế khi bay càng nhiều, lỗ càng lớn.
Yếu tố tích cực trở lại
Trong bối cảnh thiếu hụt máy bay gây ảnh hưởng đến hoạt động của hãng nhưng bức tranh kinh doanh của Vietnam Airlines đang có điểm sáng.
Trong quý I, tổng công ty ghi nhận 27.964 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái khi tổng công ty đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác (so với giai đoạn trước COVID - 19) và mở thêm các đường bay mới.
Vietnam Airlines báo lãi sau thuế kỷ lục 4.441 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 37 tỷ đồng) do có khoản thu nhập khác 3.030 tỷ đồng nhờ xoá nợ theo thỏa thuận
Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu 105.946 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.233 tỷ đồng. Như vậy, sau ba tháng, tổng công ty đã thực hiện được 26% kế hoạch doanh thu, vượt 5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo Phó Tổng Giám đốc Đặng Anh Tuấn, một số thị trường thế giới giá vé máy bay thậm chí đã tăng 30- 40% còn ở Việt Nam chỉ tăng 15 - 17%. Tuy nhiên, nhờ đó Vietnam Airlines đã bắt đầu có lãi dù tích luỹ vấn rất mỏng.
Tính tới ngày 31/3, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ luỹ kế 36.743 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 12.556 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa dự báo đến năm 2025, tổng công ty có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch COVID-19.
Trước nguy cơ mất thanh khoản, Chính phủ vừa qua cho biết trong tờ trình gửi Quốc hội về phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines, thay vì phải trả nợ gốc từ tháng 7/2024.
Hãng hàng không quốc gia còn lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) trong năm nay, giúp mang về nguồn thu khoảng 1.700 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngành hàng không đã ghi nhận lợi nhuận trở lại vào năm 2023 và lưu lượng hành khách hàng không đã chạm mức kỷ lục của năm 2019 vào đầu năm 2024. Công ty cung cấp dữ liệu hàng không OAG cho biết, tổng năng lực vận chuyển hàng không toàn cầu trong quý II/2024 có thể cao hơn 4% so với năm 2019.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, các hãng hàng không có thể đối mặt với sức ép từ việc chi phí tăng và sự cạnh tranh khi những mạng lưới đường bay được mở trở lại hoặc mở rộng.
Ngày ngày 3/11/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney (Mỹ) ban hành thông báo kỹ thuật khẩn và được áp dụng từ ngày 1/1/2024 nhằm kịp thời phát hiện hỏng hóc bất thường từ quá trình sản xuất động cơ PW 1100 G gắn trên máy bay Airbus A321 NEO.
Theo yêu cầu của Pratt & Whitney, 44 máy bay Airbus A321 NEO tại Việt Nam sẽ có một số máy bay phải tháo động cơ để đưa đi kiểm tra sớm hơn kế hoạch, trong đó Vietnam Airlines có gần 20 chiếc và Vietjet có 24 chiếc.