'Heineken tạm dừng nhà máy ở Quảng Nam: Chính sách cần tính toán kỹ không sẽ lợi bất cập hại'
Mới đây, Heineken Việt Nam đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam về việc tạm dừng hoạt động của Nhà máy bia Heineken Quảng Nam để tìm giải pháp tối ưu cho tài sản.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Heineken Việt Nam cho hay công ty đã cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định khó khăn này. Để tối ưu hoá hoạt động sản xuất và kinh doanh, Heinken phải tạm dừng nhà máy bia Quảng Nam, nhà máy có công suất nhỏ nhất trong số 6 nhà máy tại Việt Nam.
Để đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô, Heineken cần tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam, qua đó hỗ trợ lực lượng lao động hiện hữu và duy trì hoạt động kinh doanh cùng chuỗi giá trị.
Quyết định này phù hợp với tham vọng và trách nhiệm của Việt Nam và Heineken Việt Nam trong việc hướng tới mục tiêu không phát thải các-bon trong hoạt động sản xuất bằng việc tiếp tục tối ưu hóa với ít nhà máy hơn nhưng mỗi nhà máy lớn hơn về quy mô.
Đồng thời, đơn vị này cũng cho biết sẽ luôn tôn trọng, quan tâm, cũng như hỗ trợ mọi nhân viên bị ảnh hưởng trong quá trình này.
"Một số cán bộ, nhân viên của nhà máy đã được bố trí công việc tại các nhà máy khác của Heineken Việt Nam nếu phù hợp. Đối với những trường hợp không thể bố trí được công việc khác, chúng tôi hỗ trợ các chế độ trợ cấp mất việc làm theo quy định pháp luật", đại diện Heineken nói.
"Ngôi sao" nộp ngân sách ở nhiều địa phương
Việc Heineken tạm dừng nhà máy ở Quảng Nam là "giọt nước tràn ly" do giai đoạn COVID và việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Dù không công bố kết quả kinh doanh tại Việt Nam, song theo báo cáo tài chính năm 2023 của Satra - đơn vị liên kết của Heineken, phần lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết của Satra giảm tới 47% so với cùng kỳ năm trước xuống còn hơn 2.700 tỷ đồng.
Một ông lớn ngành bia khác là Sabeco, năm 2023, doanh thu thuần cũng chỉ đạt 30.706 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 4.255 tỷ đồng, tương đương giảm 13% và 23% so cùng kỳ. Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng ghi nhận doanh thu thuần cả năm 2023 đạt 7.757 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, lần lượt giảm 7,7% và 30% so với năm 2022.
Các công ty ngành bia rượu luôn nằm trong top doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước. Trong năm 2023, Tổng cục Thuế cho biết Heineken đứng thứ 19 trong số các doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất còn Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đứng thứ 35.
Trước đó năm 2022, Heineken đứng thứ 14 trong số các doanh nghiệp nộp ngân sách nhiều nhất cả nước.
Với các địa phương, nhà máy của các công ty này cũng là một trong số các doanh nghiệp nộp ngân sách lớn và gây ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế địa phương.
Hiện Heineken có 6 nhà máy tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Nam còn Sabeco có 26 nhà máy trong đó có nhiều nhà máy lớn như: Nhà máy Bia Sài Gòn - Củ Chi, Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi và Bia Sài Gòn - Sóc Trăng.
Nhà máy của Heineken tại Quảng Nam luôn nằm trong các doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn nhất cho Tỉnh Quảng Nam. Trước kia, Heineken Quảng Nam nộp ngân sách trung bình mỗi năm khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng mỗi năm nhưng do sụt giảm doanh thu gần đây nên đóng góp cho ngân sách cũng liên tục sụt giảm.
Hay như Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh cũng là doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế của tỉnh Hà Tĩnh khi đóng nộp hơn 504,8 tỷ đồng thuế nội địa trong 9 tháng năm 2023, các năm trước, doanh nghiệp này cũng thường xếp ở vị trí thứ hai, thứ ba.
Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Bình Định, năm 2023, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung cũng là doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tỉnh với số tiền 325,1 tỷ đồng, cao hơn cả một số doanh nghiệp xăng dầu khác như:Công ty Xăng dầu Bình Định (nộp vào ngân sách là 264,2 tỷ đồng); Chi nhánh Công ty CP Xăng dầu khí Phú Yên tại Bình Định; Chi nhánh xăng dầu Quân đội khu vực Tây Nguyên.
Tính toán kỹ lưỡng nếu không sẽ "lợi bất cập hại"
Đánh giá về động thái này,GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) cho rằng Heineken thông báo tạm dừng hoạt động để sắp xếp lại nhà máy do sụt giảm doanh thu. Đây là điều tất yếu của thị trường, khi doanh nghiệp kinh doanh không được thì họ phải thu gọn quy mô.
Tác động đầu tiên khi Heineken cắt giảm lao động là một lượng lớn lao động bị mất việc, gây nạn thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng gây hệ luỵ đến xã hội. Với các địa phương, những nhà máy này có thể đóng góp hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm nên việc doanh nghiệp phải đóng cửa cũng khiến kinh tế của cả một địa phương bị ảnh hưởng.
Những chính sách ảnh hưởng đến cả một ngành như vậy còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI không "làm ăn" được sẽ phải co gọn hoặc rút đi, vì vậy, cần rà soát, đánh giá kỹ tác động trước khi ban hành.
Đánh giá ngành bia không chỉ gặp khó khăn bởi quy định về cấm sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông mà sắp tới còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Chủ tịch VAFIE cho biết rất nhiều doanh nghiệp phản hồi rằng việc tăng thuế này không chỉ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài mà còn ảnh hưởng cả đến một loạt nhà máy của doanh nghiệp trong nước.
Điều này sẽ gây "lợi bất cập hại" không thu ngân sách được nhiều hơn mà nếu doanh nghiệp kinh doanh khó khăn thì còn sụt giảm do doanh nghiệp không có lời nên không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp như trước.
Ông cho biết Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có kiến nghị Bộ Tài chính không nên áp dụng lộ trình tăng thuế như dự thảo vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
GS. Nguyễn Mại cho rằng khi Nhà nước đưa ra giải pháp cần tính đến các vấn đề có liên quan một cách toàn diện. Trong khi Chính phủ đang ban hành nhiều gói hỗ trợ, chính sách giảm thuế như VAT để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thì việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lại trở thành "hỗ trợ bên này, tăng thuế bên kia" khiến gói hỗ trợ mất đi hiệu quả.
"Các động thái tạm dừng hoạt động này không phải là phản ứng của doanh nghiệp với Nhà nước mà chính là phản ứng của doanh nghiệp đối với thị trường", GS. Mại đánh giá và cho biết các doanh nghiệp ngành bia đang hết sức khó khăn vì Nghị định 100 nếu sắp tới còn tăng thuế TTĐB khiến giá thành sản phẩm tăng cao thì chắc chắn hoạt động của ngành bia, rượu còn bị thu hẹp.