|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các 'ông lớn' ngành bia, rượu, nước giải khát nộp ngân sách Nhà nước ra sao?

15:02 | 28/11/2024
Chia sẻ
Ngành bia, rượu và nước giải khát tại Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách Nhà nước qua khoản thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hàng năm.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025. Trong đó, các mặt hàng bia, rượu được đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt còn nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml (theo Tiêu chuẩn Việt Nam) đang được đề xuất bổ sung vào đối tượng sẽ chịu sắc thuế này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên các mặt hàng này không chỉ không làm tăng thu ngân sách mà thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến nguồn thu từ một số khoản thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Trên thực tế, tại danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất trong năm (V1000) của Tổng cục Thuế, một số hãng bia, rượu và nước giải khát đã xuất hiện nhiều năm liền, cho thấy sự đóng góp không nhỏ của ngành này đối với ngân sách Nhà nước qua khoản thuế TNDN hàng năm.

Những thương hiệu như: Heineken, Carlsberg, SABECO, PepsiCo, Coca-Cola... đều xếp thứ hàng cao trong danh sách này. Tuy nhiên, cùng với dịch COVID-19 và Nghị định 100, doanh thu ngành bia, rượu đang giảm mạnh dẫn đến thu ngân sách cũng giảm theo.

Heineken Việt Nam

Thứ hạng của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam trong danh sách V1000 giai đoạn 2019 - 2022 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thuế). 

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, từ năm 2019 - 2022, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam luôn đứng ở vị trí cao trong danh sách các doanh nghiệp có đóng góp thuế TNDN lớn nhất. 

Đáng chú ý, năm 2019, doanh nghiệp này xếp thứ 5 trên bảng xếp hạng và tiếp tục nằm trong top 10 trong năm tiếp theo với vị trí thứ 9. Trong hai năm 2021 và 2022, mặc dù có sự giảm nhẹ về thứ hạng nhưng Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam vẫn duy trì vị trí trong top 20 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất với thứ tự lần lượt là 14 và 19.

Bên cạnh đó, chi nhánh Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu giữ vị trí lần lượt là 342, 401 và 199 trong các năm 2020, 2021 và 2022; Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Tiền Giang xếp thứ 682 năm 2019 và 872 năm 2020; Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Hà Nội xuất hiện trong danh sách V1000 năm 2019 với thứ hạng 331.

Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam cũng góp mặt tại danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất trong ba năm liên tiếp, từ năm 2020 - 2022. Theo đó, các năm 2020 và 2021, công ty này đều nằm trong top 50 của bảng xếp hạng, lần lượt giữ các vị trí thứ 43 và 49. Tuy nhiên, đến năm 2022, công ty này đã tụt tới 27 hạng, chỉ xếp thứ 76 trong danh sách.

Với những kết quả này, Heineken Việt Nam hiện là doanh nghiệp thuộc ngành bia, rượu và nước giải khát có đóng góp lớn nhất vào ngân sách Nhà nước.

Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) 

Thứ hạng của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) trong danh sách V1000 giai đoạn 2019 - 2022 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thuế). 

Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cũng là một trong những doanh nghiệp nộp thuế TNDN cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2022.

Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, 2019 là năm Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn và các công ty con ghi nhận doanh thu cao kỷ lục, nhờ đó doanh nghiệp này cũng đứng vị trí khá cao trong danh sách V1000, xếp hạng thứ 29.

Năm 2020, tuy vẫn nằm trong top 50 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất nhưng vị trí của SABECO đã có sự thay đổi nhẹ, chỉ xếp thứ 42 trong danh sách. Đến năm 2021, với sự sụt giảm doanh thu so với năm trước đó, doanh nghiệp này đã lùi xuống vị trí thứ 64.

Năm 2022, 5 năm sau khi từ một doanh nghiệp Nhà nước trở thành công ty con của ThaiBev, doanh thu của SABECO đã có sự phục hồi, xếp hạng của doanh nghiệp trên danh sách V1000 cũng “lội ngược dòng” lên vị trí thứ 35.

Một số công ty con của SABECO như: Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn, Công ty CP Thương mại Bia Sài Gòn Sông Hậu, Công ty CP Thương mại Bia Sài Gòn Miền Đông, Công ty CP Thương mại Bia Sài Gòn Nam Trung Bộ, Công ty CP Thương mại Bia Sài Gòn Tây Nguyên... cũng xuất hiện trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN cao nhất của các năm 2019, 2020 và 2022.

Suntory PepsiCo Việt Nam

Thứ hạng của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam trong danh sách V1000 giai đoạn 2019 - 2022 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thuế).  

Đứng đầu trong các doanh nghiệp nước giải khát tại danh sách này là Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam. Trong giai đoạn 2019 - 2022, công ty này duy trì thứ hạng khá cao, luôn nằm trong top 100 doanh nghiệp nộp thuế TNDN cao nhất năm, với hai lần nằm trong top 50 vào các năm 2020 (xếp thứ 34) và 2021 (xếp thứ 40).

Coca-Cola Việt Nam

Thứ hạng của Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam trong danh sách V1000 giai đoạn 2019 - 2022 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thuế).  

Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam cũng luôn nằm trong danh sách những doanh nghiệp có thuế TNDN cao nhất. Thương hiệu nước giải khát toàn cầu này đã giữ vị trí thứ 89 vào năm 2019 và ghi nhận sự thay đổi lớn về vị trí tại bảng xếp hạng này trong ba năm sau đó.

Cụ thể, năm 2020, doanh nghiệp này đã tăng tới 50 hạng, đạt xếp hạng thứ 39. Tới năm 2021, Coca-Cola chỉ xếp hạng 127 trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất cả nước, sau đó nhích nhẹ lên hạng 109 vào năm 2022. 

Tân Hiệp Phát

Thứ hạng của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát trong danh sách V1000 giai đoạn 2019 - 2022 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thuế).  

Doanh nghiệp nội địa duy nhất trong ngành nước giải khát nhiều năm liên tiếp góp mặt trong danh sách V1000 là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát. 

Với các sản phẩm nổi tiếng như trà thảo mộc Dr. Thanh hay nước giải khát Number 1, doanh nghiệp này đứng thứ 75 và 73, lần lượt trong các năm 2019 và 2020 tại bảng xếp hạng về thuế TNDN. Năm 2021, Tân Hiệp Phát chỉ xếp hạng 120 trong danh sách và tụt sâu xuống vị trí thứ 504 vào năm 2022. 

URC Việt Nam

Thứ hạng của Công ty TNHH URC Việt Nam trong danh sách V1000 giai đoạn 2019 - 2022 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thuế).  

Năm 2019, Công ty TNHH URC Việt Nam đứng thứ 339 trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất năm. Tại bảng xếp hạng năm 2020, URC Việt Nam đã vượt hơn 200 bậc, lên vị trí 132.

Tuy nhiên, tới năm 2021, mặc dù vẫn nằm trong danh sách nhưng vị trí của URC Việt Nam có sự thay đổi lớn khi giảm tới gần 300 hạng, xếp thứ 428, sau đó tiếp tục giảm xuống tới vị trí số 825 trong danh sách năm 2022.

Carlsberg Việt Nam

Thứ hạng của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam trong danh sách V1000 giai đoạn 2019 - 2022 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thuế). 

Một doanh nghiệp bia ngoại khác cũng có đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước qua thuế TNDN là Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam.

Theo đó, năm 2019, Carlsberg Việt Nam giữ vị trí 600/1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất tại Việt Nam. Trong các năm 2020 và 2021, công ty bia Đan Mạch này có sự “nhảy vọt” về thứ hạng, lần lượt đạt xếp hạng 356 và 220.

Tuy nhiên, tới năm 2022, Carlsberg Việt Nam đã rớt xuống vị trí gần cuối trong bảng xếp hạng, xếp thứ 952/1.000 doanh nghiệp. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Carlsberg trên toàn cầu, doanh nghiệp này là hãng bia lớn thứ 4 và chiếm 8% thị phần tại Việt Nam.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn khác trong ngành bia, rượu và nước giải khát cũng xuất hiện tại danh sách V1000 giai đoạn 2019 - 2022, như: Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội xếp thứ 337 năm 2019 và 282 năm 2020; Công ty CP Thực phẩm quốc tế xếp thứ 834 năm 2020 và 675 năm 2021; Công ty TNHH Red Bull Việt Nam xếp thứ 301 năm 2019 và 234 năm 2021; Công ty TNHH sản xuất rượu Golden Spirits Việt Nam xếp thứ 893 năm 2021…

Anh My

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Thông qua chuyển trụ sở, miễn nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Ngô Tony
Tại đại hội lần này, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ đã không thể thông qua việc sửa đổi điều lệ và chấm dứt đầu tư trụ sở chính ở TP HCM.