Hà Nội 19 °C | 02:52AM, 08/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn Cao su có thể chuyển đổi 15.000 ha đất cao su sang khu công nghiệp

10:55 | 14/03/2024
Chia sẻ
SSI Research ước tính tổng lợi nhuận từ đền bù đất cao su của tập đoàn kinh tế này có thể đạt 28.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2030.

Theo báo cáo cập nhật mới phát hành, SSI Research nhận định nguồn cung các khu công nghiệp miền Nam giai đoạn 2021-2030 phần lớn đến từ đất cao su .  

Chẳng hạn, theo Quy hoạch các khu công nghiệp Đồng Nai, diện tích khu công nghiệp được Thủ tướng chính phủ phê duyệt sử dụng đất cao su chuyển đổi đạt 6.760 ha (chiếm 91% tổng diện tích) đến 2025 và 2.000 ha giai đoạn 2025- 2030 (chiếm 48% tổng diện tích).

Hay diện tích đất cao su chuyển sang khu công nghiệp trong giai đoạn đến 2025 của Bình Dương và Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu lần lượt là 3.084 ha, 2.994 ha và 3.933 ha.  

Thực tế, việc chuyển đổi đất cao su sang làm khu công nghiệp có các lợi thế như diện tích đất liền thửa lớn, đền bù giải phóng mặt bằng nhanh bởi đã có hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc xác định giá chuyển nhượng và chi phí san lấp mặt bằng thấp do vùng đất có độ cứng cao.   

Hưởng lợi lớn từ quá trình này phải kể đến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR). SSI Research ước tính diện tích đất chuyển đổi từ trồng cây cao su sang phát triển khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030 của tập đoàn dự kiến 15.000 ha.

Phần lớn diện tích chuyển đổi này đến từ các công ty thành viên như Cao su Đồng Nai, Cao su Dầu Tiếng, Cao su Đồng Phú, Cao su Phước Hòa, Cao su Bà Rịa, Cao su Tân Biên.      

"Chúng tôi ước đạt lợi nhuận từ đền bù đất cao su của GVR có thể đạt 28.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2030", báo cáo viết. 

Các công ty thành viên trong hệ thống cũng đang có kế hoạch phát triển thêm khu công nghiệp khác như Dự án Khu công nghiệp NTC3 - Bình Dương diện tích 344 ha sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay; các dự án đã và đang thậm định là Bắc Đông Phú (tổng diện tích 317 ha), Rạch Bắp (tổng diện tích 360 ha), Minh Long 3 (tổng diện tích 577,33 ha).

Theo đánh giá của SSI Research, chi phí đền bù đất trồng cây cao su dự kiến có thể tăng 30-50% so với quá khi khi áp dụng theo các phương pháp định giá của Luật đất đai sửa đổi từ 2025.

Ngoài hưởng lợi từ chuyển đổi đất cao su, tập đoàn kinh tế Nhà nước này cũng có triển vọng khai thác mủ cao su tích cực. Chuyên gia SSI ước tính tổng sản lượng đạt 331.300 tấn mủ cao su thiên nhiên, tăng gần 8% so với năm ngoái.

Tổng sản lượng bán ra dự kiến 441.200 tấn cao su (tăng trưởng 2%) với giá bán trung bình 34,5 triệu đồng/tấn (tăng 6%). Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) giá bán cao su trong năm 2024 sẽ tăng trở lại nhờ nhu cầu từ thị trường Trung Quốc.  

Theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, Tập đoàn cao su đề ra mục tiêu doanh thu hợp nhất 24.999 tỷ đồng vàà 3.437 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ 1-2% so với kết quả năm ngoái.  

Theo định hướng đến 2025, hệ sinh thái này sẽ trồng, chăm sóc, khai thác và kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su với diện tích khoảng 360.000 - 370.000 ha, sản lượng mủ cao su khai thác khoảng 400.000 tấn, sản lượng tiêu thụ khoảng 500.000 tấn (bao gồm cao su gia công, thu mua).

Đồng thời đầu tư mở rộng để nâng công suất các nhà máy chế biến gỗ theo hướng giá trị gia tăng cao, với sản lượng gỗ cao su nguyên liệu khoảng 1,5 triệu m3 gỗ, phát triển các thương hiệu vỏ xe sản lượng 40.000 - 50.000 sản phẩm.

Tập đoàn tiếp tục khai thác các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi; đẩy mạnh đầu tư mở rộng, đầu tư mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; phát triển khoảng 10.000 ha cây trồng các loại. 

Huy Lê