Giá cao su hôm nay 4/10: Duy trì ở mức cao trên các sàn giao dịch, trong nước tiếp tục tăng
Cập nhật giá cao su thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, giá cao su kỳ hạn trên thị trường thế giới nhìn chung không có nhiều biến động so với ngày hôm qua.
Tại Nhật Bản, giá cao su RSS 3 hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) giảm nhẹ 0,4% so với phiên giao dịch trước, đạt 426,4 yen/kg; hợp đồng giao tháng 3 giảm 0,3%, ở mức 400 yen/kg.
Giá cao su RSS 3 kỳ hạn tháng 11 tại Thái Lan – nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, vẫn ổn định ở mức 96 Baht/kg.
Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) Trung Quốc đóng cửa từ ngày 1 đến 7 tháng 10 do kỳ nghỉ Quốc khánh của Trung Quốc và sẽ mở cửa giao dịch trở lại vào thứ ba tuần sau (ngày 8/10).
Theo Tradingeconomics, giá cao su tương lai được giao dịch trên 210 US cent/kg, mức cao nhất kể từ tháng 2/2017, do được hỗ trợ bởi giá dầu tăng và các biện pháp kích thích kinh tế lớn của Trung Quốc, giúp cải thiện triển vọng nhu cầu.
Bên cạnh đó, lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu vẫn tiếp diễn, đặc biệt là ở các khu vực sản xuất chính của Đông Nam Á như Thái Lan, nơi điều kiện thời tiết bất lợi, bao gồm mưa lớn và lũ lụt, đang ảnh hưởng đến sản lượng.
Cập nhật giá cao su trong nước
Ở thị trường trong nước, giá thu mua cao su liên tục điều chỉnh tăng trong tuần qua theo xu hướng chung của thị trường thế giới.
Ngày 4/10, Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua mủ nước ở mức 443 – 447 đồng/TSC, tăng 9 đồng/TSC so với ngày hôm trước; mủ đông tăng 10 – 12 đồng/DRC, lên 406 – 461 đồng/DRC.
Sau khi tăng vào ngày hôm trước, Công ty Cao su Bà Rịa giữ nguyên giá thu mua mủ nước ở mức 440 – 450 đồng/TSC. Ngoài ra, giá mủ đông DRC từ 35 - 44% đạt 15.700 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động 19.500 – 21.000 đồng/kg.
Tương tự, Công ty Cao su Phú Riềng báo giá mủ tạp ở mức 430 đồng/DRC; mủ nước đạt 470 đồng/TSC.
Công ty cao su Bình Long báo giá thu mua mủ nước ở mức 386 – 396 đồng/TSC; giá mủ tạp (DRC = 60%) đạt 14.000 đồng/kg.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 9 đạt khoảng 250 nghìn tấn, trị giá 424 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và tăng 23% về trị giá so với tháng 8/2024, tăng 29,2% về lượng và tăng 68,4% về trị giá so với tháng 9/2023.
Giá bình quân xuất khẩu cao su ở mức 1.697 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 8 và tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su cả Việt Nam đạt khoảng 1,37 triệu tấn, trị giá 2,18 tỷ USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Về chủng loại, tính đến hết tháng 8, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 54,81% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 615,06 nghìn tấn, trị giá 964,92 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,66% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 612,98 nghìn tấn, trị giá 958,82 triệu USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu một số chủng loại cao su tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023 như: Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR CV50, RSS1, cao su tái sinh, SVR 5, RSS4, Skim block…
Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại cao su vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023, gồm: SVR 20, cao su tổng hợp, cao su dạng Crếp…