ĐHĐCĐ PVS: Dự án Lô B đang đúng tiến độ, chưa làm điện gió ngoài khơi trong nước
Sáng ngày 17/6, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, theo hình thức trực tuyến. Đến 9h, số cổ đông tham dự và ủy quyền đại diện cho 54,2% số cổ phần có quyền biểu quyết, đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Kế hoạch lãi giảm 38%
Năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng, giảm gần 29% so với mức thực hiện năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 660 tỷ đồng, giảm gần 38%.
Theo báo cáo quý đầu năm, PVS đã hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận khi đạt gần 305 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023) nhờ kiểm soát giá vốn và tăng lãi từ công ty liên kết.
Ban lãnh đạo cho biết sẽ tích cực đấu thầu, thiết lập quan hệ liên doanh liên kết, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để đón đầu dịch vụ mới, đẩy mạnh tham gia các dự án năng lượng tái tạo, xây dựng chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi...
Năm ngoái, tổng công ty ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 21.742 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và vượt 65% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế lần đầu vượt mốc nghìn tỷ đồng, tăng 89% so với năm liền trước và đủ hoàn thành kế hoạch năm.
Với kết quả đạt được, Hội đồng quản trị trình cổ đông việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% (700 đồng cho mỗi cổ phiếu), tương đương với số tiền trích ra gần 335 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức cho năm 2024 dự kiến giữ nguyên ở mức 7%.
Kế hoạch đầu tư 70.000 tỷ đồng
PVS lên kế hoạch tài chính dự kiến đến năm 2030 với nhu cầu vốn hàng tỷ USD. Nhu cầu vốn lớn khi tổng công ty định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, bao gồm làm tổng thầu EPC và tham gia phát triển điện gió ngoài khơi.
PVS đã trúng các gói thầu lớn trong lĩnh vực dầu khí thuộc chuỗi dự án phát triển mỏ khí Lô B, các dự án chế tạo chân đế điện gió, trạm biến áp ngoài khơi thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi; tham gia chào thầu và dự kiến đạt được kết quả khả quan đối với các dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng tài tạo ngoài khơi.
Cùng với đó, tổng công ty đã tham gia dự án đầu tư và xây dựng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu điện sạch sang Singapore thông qua tuyến cáp ngầm cao áp dưới biển, với đối tác Semcorp Utilities Ltd.
PVS hiện là đơn vị duy nhất thuộc PVN có đầy đủ cơ sở pháp lý để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi. Do đó, việc tăng mức đầu tư mới và chuyển đổi hạ tầng để nâng cao năng lực sản xuất vào các dự án là yêu cầu tất yếu.
PVS cần vốn đầu tư hơn 70.000 tỷ đồng đến 2030
Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2024-2030 lên tới 70.640 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu về vốn chủ sở hữu của PVS là 17.641 tỷ đồng (bao gồm 4.720 tỷ đồng giai đoạn 2024-2025 và 12.921 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030).
Trong giai đoạn này, PVS dự kiến sẽ sử dụng các nguồn lực nội bộ, bao gồm bổ sung từ lợi nhuận sau thuế khoảng 3.586 tỷ đồng, thu hồi các khoản đầu tư dài hạn 776 tỷ đồng, nguồn từ khấu hao ở mức 5.077 tỷ đồng, các khoản phân bổ tài sản dài hạn khác ở mức 689 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chưa sử dụng để đầu tư là 1.149 tỷ đồng.
Như vậy, doanh nghiệp cần cân đối thêm khoảng 8.919 tỷ đồng vào vốn chủ sở hữu giai đoạn 2024-2030.
PHIÊN THẢO LUẬN
Cập nhật dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore?
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Cường: Công ty quyết tâm cuối năm nay, chậm nhất sang đầu năm 2025 sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu khảo sátd để đưa thiết bị khảo sát ra thực địa. Thời gian khảo sát mất khoảng 1 năm, dựa trên số liệu đó để có những hạch toán kỹ thuật và kinh tế nhằm đi đến quyết định cuối cùng.
Dự án này có sự quan tâm đặc biệt và những cơ chế đặc biệt, với quyết tâm chính trị và sự vào cuộc cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền của các 2 nước thì dự án có tương lai tươi sáng.
Dự án này không những giúp PVS tham gia một dự án cụ thể có quy mô lớn mà còn định hình được chuỗi cung ứng toàn cầu phục vụ các dự án đang triển khai trên thế giới. Với chuỗi cung ứng đang từng bước xây dựng sẽ định hình lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Tại Việt Nam, PVS chưa có chủ trương tham gia dự án Điện gió ngoài khơi trong nước mà chỉ đang tập trung dự án xuất khẩu điện gió. Khi dự án xuất khẩu có được các kết quả cụ thể, công ty có năng lực thì sẽ sẵn sàng tham gia dự án trong nước khi các cấp thẩm quyền có quyết định cụ thể.
Các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam có nhiều tiềm năng, quy hoạch điện 8 và một loạt sự kiện gần đây thì bức tranh càng ngày rõ ràng hơn theo hướng tích cực cho điện gió ngoài khơi.
Do cơ chế chính sách còn đang hoàn thiện nên các nhà đầu tư tiềm năng và PVS cần thêm khoảng thời gian để cân nhắc chiến lược, chúng tôi nhắc lại hiện chỉ tập trung dự án điện gió xuất khẩu sang Singapore chứ chưa tham gia dự án điện gió ngoài khơi trong nước nào khác.
Định hướng tăng vốn cụ thể của tổng công ty?
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Cường: Trong thời gian tới PVS sẽ quyết tâm đầu tư phát triển theo 2 lĩnh vực chính là trở thành nhà cung cấp dịch vụ quốc tế về điện gió ngoài khơi và dịch vụ dầu khí truyền thống. Công ty theo đó quan tâm đến việc xây dựng chiến lược đầu tư và tăng vốn liên quan.
Ngoài ra, PVS gần đây được PV OIL trao thầu FSO tính bằng đơn vị hàng trăm triệu USD và các dự án FSO trong thời gian tới, lĩnh vực thứ 3 này cũng cần vốn đầu tư lớn.
PVS đang có kế hoạch xây dựng nhu cầu vốn chủ sở hữu với nhiều kịch bản, đang phải tính toán cẩn thận bởi đây là chiến lược trung dài hạn nên cần sự phê duyệt của bên liên quan, nên phải xây dựng nhiều kịch bản khác nhau.
Tổng công ty cần đầu tư năng năng lực xản xuất kinh doanh truyền thống để tăng công suất và năng suất, dự kiến tổng mức đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng, tùy thuộc vốn chủ sở hữu sẽ có đòn bẩy phù hợp,
Thứ 2 là nhu cầu vốn để phát triển dự án như mảng FSO, điện gió xuất khẩu, một số dự án thành phần… với tổng mức đầu tư rất lớn. Các kịch bản đang xây dựng đều dẫn đến con số từ 60.000 tỷ đồng trở lên, từ đó phải có kế hoạch vốn chủ sở hữu phù hợp.
Một trong các kịch bản triển vọng nhất là cần 16.000-17.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, phải nhắc lại rằng còn nhiều kịch bản khác để trình các cấp có thẩm quyền, để xử lý chênh lệch vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu.
Việc tăng vốn điều lệ phải phù hợp với chủ trương đầu tư đó, thời điểm tăng vốn vẫn đang xây dựng và quy mô phụ thuộc cấp có thẩm quyền, có thể kết hợp nhiều hình thức khác nhau (cổ tức, phát hành, sử dụng nguồn tiền hiện hữu, từ khấu hao…) để bổ sung vốn điều lệ.
Cập nhật về Dự án Lô B
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Cường: Chúng tôi là nhà thầu không phải nhà đầu tư dự án. Dự án Lô B vào tháng 28/3 đã có một loạt thỏa thuận ký kết triển khai dự án. Các công tác cần thiết cho việc triển khai dự án được các bên tham gia và đã có nhiều hợp đồng đã ký kết
Điều này cho thấy dự án được triển khai quyết liệt. PVS đang triển khai đúng thỏa thuận, đúng tiến độ các hợp đồng số 1,2 và dự án số 3 về đường ống cũng đã ký hợp đồng chính thức, mọi việc đang đúng lộ trình và chưa có yếu tố nào ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Kế hoạch đầu tư cho mảng cảng và tàu?
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Cường: Mảng tàu năm ngoái tăng trưởng 42% và mảng cảng cũng tăng 4% so với 2022. PVS đang triển khai một loạt hoạt động nâng cấp các căn cứ cảng này, cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau từ dầu khí truyền thống đến năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Cơ hội cho dịch vụ tàu và cảng hết sức khả quan. PVS nhận thức rõ và có lộ trình quyết tâm đầu tư, mở rộng căn cứ cảng, đây tiếp tục là lĩnh vực quan trọng, cần đẩy mạnh hơn nữa để tăng năng lực phụ trợ cho phát triển hoạt động năng lượng điện gió ngoài khơi.
Khả năng trúng thầu mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất (BSR)?
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Cường: Công ty luôn bám sát các dự án đầu tư.
PVS đang cung cấp nhiều hợp đồng bảo dưỡng cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Với quan điểm từ một nhà thầu, BSR có nhiều cơ hội nâng cấp mở rộng, nâng cấp sản phẩm nhà máy bởi hiện tại hoạt động hiệu quả. Với quan sát đó, PVS kỳ vọng dự án mở rộng sớm được triển khai và tin rằng với năng lực hiện hữu, khả năng tiếp cận dự án và nắm bắt thông tin, cùng với đối tác quốc tế phù hợp sẽ có khả năng tham gia dự án này, khả năng trúng thầu chưa thể nói trước.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.