|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dàn ‘cá mập’ tranh giành đầu tư vào công ty nhân sự trên Shark Tank Việt Nam

08:04 | 31/10/2019
Chia sẻ
Giải quyết đúng “nỗi đau” thị trường và người lao động, nền tảng nhân sự Việc Có khiến 4/5 nhà đầu tư tranh giành trên Shark Tank Việt Nam.

Cựu nhân viên Tiki gọi vốn

Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam vào tối 30/10, Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng – hai người đồng sáng lập Việc Có - muốn kêu gọi 300.000 USD trái phiếu chuyển đổi, ưu đãi giảm giá 10% cho vòng gọi vốn sau, dự kiến 1 triệu USD.

Dàn ‘cá mập’ tranh giành đầu tư vào công ty nhân sự trên Shark Tank Việt Nam - Ảnh 1.

Hai chàng trai Phan Xuân Cảnh và Nguyễn Sơn Tùng – đồng sáng lập Việc Có trên Shark Tank Việt Nam vào tối 30/10. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Từng làm việc tại Tiki 5 năm, Cảnh và Tùng nhận thấy công nghệ giải quyết đồng thời ba vấn đề: tốc độ nhanh, chất lượng, quy mô lớn. Ấp ủ ý tưởng về một nền tảng chia sẻ, hai anh quyết định sáng lập Việc Có để kết nối người lao động tự do với doanh nghiệp.

Ra mắt vào đầu năm 2019, Việc Có hiện đạt 14.000 người đăng ký đi làm. Doanh thu tăng 50% mỗi tháng, chủ yếu là 20% phí giao dịch từ doanh nghiệp. Đặc biệt, công ty đã tạo ra 1,5 tỉ đồng thu nhập cho người lao động trong tháng gần nhất.

Giúp sinh viên kiếm thêm thu nhập

Xuân Cảnh cho biết, người đăng ký đi làm chủ yếu là lao động bán thời gian, sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập. Người lao động chỉ cần cầm điện thoại đến nơi làm việc, hệ thống Việc Có sẽ cập nhật vị trí, ghi nhận thông tin là họ đã tới làm việc.

Trước thắc mắc của doanh nhân Nguyễn Thanh Việt về trường hợp người lao động xảy ra tai nạn khi làm việc, Xuân Cảnh khẳng định Việc Có tạo ra cơ hội tốt cho họ thay vì mang đến nhiều rủi ro hơn. Anh còn cho biết, công ty sẽ hỗ trợ người lao động mua bảo hiểm.

Ông Phạm Thanh Hưng cho rằng, Việc Có phải loại trừ trách nhiệm với người lao động. Bởi các doanh nghiệp mới là nơi sử dụng, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nhân viên.

Khi Chủ tịch NextTech – Nguyễn Hòa Bình hỏi về yếu tố cạnh tranh, Xuân Cảnh lập tức đưa ra ví dụ của "ông lớn" Grab.

"Nếu các hãng taxi có nền tảng gọi xe thì Grab có chết không, sẽ không chết. Start-up là phải tăng trưởng cực nhanh. May mắn khi Việc Có đang tham gia một trò chơi tương tự như Grab", Cảnh nói.

Dàn ‘cá mập’ tranh giành đầu tư vào công ty nhân sự trên Shark Tank Việt Nam - Ảnh 2.

Dàn "cá mập" trên Shark Tank Việt Nam vào tối 30/10. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

‘Cá mập đại chiến’

Lo vấn đề quản lý nhân sự, "bà ngoại" Đỗ Kim Liên từ chối đầu tư dù rất thích dự án. Tuy nhiên, bà quyết định sẽ tham gia cùng nếu có người đồng ý rót vốn.

Đánh giá thị trường lao động rất nhạy cảm, tồn tại nhiều rủi ro nên Chủ tịch Intracom – Nguyễn Thanh Việt - quyết định không đầu tư.

Đúng sở trường công nghệ, Nguyễn Hòa Bình đề nghị đầu tư 300.000 USD trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 50% cho vòng gọi vốn kế tiếp.

"Cá mập công nghệ" Nguyễn Mạnh Dũng đưa ra con số 300.000 USD trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 20% cho vòng gọi vốn sau kèm một số điều kiện. 

Doanh nhân Phạm Thanh Hưng đầu tư 300.000 USD trái phiếu chuyển đổi, cùng phương án giảm giá 30% cho vòng gọi vốn sau với lãi suất 15% hoặc giảm giá 20% vòng gọi vốn sau kèm lãi suất 20%.

"Shark" Bình nhanh chóng điều chỉnh con số giảm giá 35% cho vòng gọi vốn kế tiếp, lãi suất hữu nghị 6%. Ông Dũng lập tức nhấn mạnh rằng ông đầu tư không cần lãi suất.

Khi các "cá mập" tranh giành quyết liệt, bà Liên muốn tham gia vào dự án, sẵn sàng thỏa mãn con số kêu gọi ban đầu của nhà sáng lập, thậm chí ký chấp nhận ngay 300.000 USD tại trường quay Shark Tank Việt Nam. Tuy nhiên, quyết định của bà vấp phải sự phản đối của nhà đầu tư khác vì sai luật chương trình.

Sau vài phút trao đổi, hai nhà sáng lập Việc Có đồng ý hợp tác với Giám đốc CyberAgent – Nguyễn Mạnh Dũng. Nữ doanh nhân Đỗ Liên tuyên bố bà sẽ đồng hành cùng dự án.

Bùi Mến