Sự bùng nổ của phong trào bếp chung ở châu Á
Phong trào làm bếp chung
Kishin RK, người thừa kế của gia tộc tỉ USD người Singapore là cái tên mới nhất xác nhận gia nhập cuộc chơi "bếp chung". Mặc dù gia đình vốn có truyền thống kinh doanh bất động sản, Kishin RK lại quyết định lấn sân sang mảng kinh doanh liên quan đến ẩm thực.
Trước giới truyền thông, Kishin RK không bình luận về độ giàu của gia đình nhưng Bloomberg ước tính tổng giá trị tài sản của gia tộc Kishin vào khoảng 3 tỉ USD.
Báo cáo của Allied Market Research ước tính qui mô thị trường bếp chung toàn cầu sẽ đạt giá trị 72 tỉ USD vào năm 2027, một tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng khi so với 43 tỉ USD năm 2019.
Kế hoạch của Kishin RK là thành lập 1.000 bếp chung trải khắp châu Á, châu Âu và Mỹ, trực tiếp cạnh tranh với các ứng dụng giao thực phẩm. Trên thực tế, nhiều công ty kinh doanh mảng giao đồ ăn cũng đang nghĩ tới bếp chung như một giải pháp cải thiện doanh số. Grab, Gojek tại Đông Nam Á là hiện thực hóa mô hình này tại một số thị trường.
Trước đó, Central Restaurants, một công ty thành viên trực thuộc Central Group (tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam như Lan Chi, Big C hay Nguyễn Kim) cũng công bố kế hoạch triển khai 100 bếp chung trong 5 năm tới tại Thái Lan.
Central Restaurants vốn là một công ty sở hữu nhiều chuỗi đồ ăn nhanh và nhà hàng. Việc mở ra các bếp chung có thể sẽ góp phần tăng doanh số cho chính các chuỗi thực phẩm này.
Chia sẻ về kế hoạch mở 100 bếp chung, ông Nath Vongpanich, chủ tịch Central Restaurants, cho rằng mô hình bếp chung sẽ trực tiếp gia tăng sức mạnh cho dịch vụ giao hàng mà công ty đang triển khai ở thị trường bản địa. Trong 4 năm tới, công ty kì vọng các bếp chung sẽ tạo ra doanh thu 47,1 triệu USD.
Tiềm năng của bếp chung lớn đến đâu
Về bản chất, bếp chung hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ, một mô hình kinh doanh tương đối phổ biến trong vài năm trở lại đây. Ban đầu, bếp chung tận dụng các nguồn lực dư thừa, ở đây là các "bếp" còn trống ở các nhà hàng.
Và tương tự như các mô hình kinh tế chia sẻ khác, bếp chung dần phát triển theo xu thế "chuyên nghiệp hóa". Một ví dụ cụ thể là Uber. Ban đầu Uber ra đời để tận dụng các xe nhàn rỗi chở khách. Sau nhiều năm, các tài xế Uber dần trở nên "chuyên nghiệp hóa" và coi chở khách là công việc chính.
Khi các công ty đầu tư vào mở các bếp chung, họ đã chuyên biệt hóa những không gian bếp này, và những người đứng bếp cũng trở nên chuyên nghiệp hóa thay vì tận dụng những bếp "rảnh rỗi" ở các nhà hàng khác nhau.
Tại Việt Nam, Grab đã nhanh chóng triển khai mô hình GrabKitchen tại TP HCM từ tháng 9/2019. Đầu năm nay, công ty tiếp tục mở bếp chung tại Singapore và hướng tới việc kinh doanh bếp chung tại 5 thị trường Đông Nam Á.
Trên sóng truyền hình, ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch NextTech, từng nhận định bếp chung là một mô hình tương đối mới mẻ và "đại dương xanh". "Mô hình cloudkitchen (bếp chung) đang tương đối thành công trên thế giới", ông Bình nhận định.
Châu Á đang trở thành một trong những "trung tâm" phát triển mô hình bếp chung. Theo tập đoàn JLL, Ấn Độ và Trung Quốc đang là những thị trường rất tiềm năng. Ngoài ra, theo phân tích nhân khẩu học của công ty, các thành phố lớn ở Việt Nam cũng có điều kiện tốt để bếp chung phát triển.
Dịch COVID-19 trực tiếp tác động lên thói quen của người tiêu dùng khiến khách hàng lựa chọn việc đặt món qua ứng dụng trực tuyến nhiều hơn. Do đó khi dịch bệnh chấm dứt, cơ hội để bếp chung bùng nổ là rất lớn.
"Điều hành nhà hàng trong bếp chung ít phức tạp hơn nhiều so với điều hành một nhà hàng bình thường. Để tiết kiệm chi phí hơn nữa, những chủ bếp có thể đưa ra chính sách chiết khấu dựa trên doanh thu hấp dẫn với người điều hành bếp chung. Trọng tâm của căn bếp chỉ đơn giản là chuẩn bị thức ăn ngon và nhanh chóng", ông Pranav Nichani, giám đốc bán lẻ tại thị trường Ấn Độ của JLL, kết luận.