|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người dùng ngày càng tiết kiệm, Grab, Gojek, Airbnb liệu có tăng trưởng?

10:57 | 01/12/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và người dân thắt chặt chi tiêu, mô hình kinh tế chia sẻ với các doanh nghiệp như: Grab, Gojek, Airbnb, Traveloka được dự báo sẽ càng tăng trưởng nhờ việc thay đổi thói quen trở lên tiết kiệm hơn của người tiêu dùng.

Chia sẻ tại Hội thảo "Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 30/11, bà Hoàng Thị Thu Trang, Phó Trưởng phòng Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, quy mô của các thị trường gọi xe hay đặt phòng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ đến năm 2025.

Bà Hoàng Thị Thu Trang, Phó Trưởng phòng Phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh (Ảnh: Hạ An).

Theo bà Trang, những mô hình kinh tế chia sẻ đầu tiên như Airbnb hay Uber giờ đây đã có những bước tiến khá xa.

Nghiên cứu của Google, Temasek, Bain&Company, quy mô của lĩnh vực gọi xe công nghệ tại thị trường Việt Nam năm 2021 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 35% bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Năm 2025 thị trường này được dự báo lên mức 5,7 tỷ USD, với mức tăng 24%. Điều này cho thấy, mô hình chia sẻ phương tiện vận tải, tài xế cá nhân có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai gần, bà Trang đánh giá.

 

So sánh với nhóm 6 nước phát triển hơn trong khối ASEAN, thị trường gọi xe công nghệ của Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Singapore, một quốc gia với dân số đông nhất, thị trường khởi nghiệp sôi nổi và một quốc gia phát triển nhất khu vực.

Theo một khảo sát về mức độ phổ biến của một số nền tảng gọi xe trực tuyến với phương tiện vận tải là ô tô, Grab hiện đang chiếm 66%, Bee 22%, FastGo, Mygo và một số nền tảng khác chiếm dưới 10%. Với xe máy, Grab 66%, Gojek và Bee đều đạt 18% và các ứng dụng khác không đáng kể.

Như vậy, khi quy mô thị trường tăng lên, các doanh nghiệp chiếm thị phần cao như Grab, Bee hay Gojek được dự báo tăng trưởng mạnh.

 

Một mô hình kinh tế chia sẻ khác theo bà Trang là các ứng dụng đặt phòng, năm 2020 doanh thu của lĩnh vực này giảm xuống 2,5 tỷ USD, năm 2021 là 1,4 tỷ USD. Trước đó, vào năm 2019, quy mô thị trường này của Việt Nam đã đạt mức 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch được đánh giá là rất triển vọng và dự báo sẽ đạt doanh thu 5,9 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng 44% so với năm 2021, mức tăng bình quân 11% mỗi năm.

Hội thảo "Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới" (Ảnh: Hạ An).

Động lực cho mô hình Grab, Gojek, Airbnb, Traveloka

Bà Đặng Thuỳ Trang, Giám đốc đối ngoại của công ty Grab tại Việt Nam thì cho rằng, kinh tế suy giảm khiến người dân phải đối mặt với những khó khăn về tài chính và phải xem xét lại các vấn đề về tiêu dùng. Trên cơ sở đó, kinh tế chia sẻ đã ra đời và phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình mới mẻ.

Trên thị trường, các hình thức việc làm mới dần xuất hiện, như kinh tế chia sẻ, kinh tế tiếp cận, kinh tế theo yêu cầu, kinh tế hợp tác, kinh tế việc làm tự do...

 

Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến “làn sóng” người lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ khu vực chính thức sang phi chính thức, tham gia vào hệ thống cung ứng dịch vụ từ xa trên web và các ứng dụng trực tuyến.

Trong giai đoạn hậu COVID-19, nền kinh tế đối mặt với suy thoái và lạm phát, vì vậy, xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng ngày càng nổi bật, nhờ đó, mô hình kinh tế chia sẻ  với các doanh nghiệp như: Grab, Gojek, Airbnb, Traveloka được dự báo sẽ càng tăng trưởng. 

Bà Trang cho biết, kinh tế chia sẻ đã khẳng định tính ưu việt về tiết kiệm tài nguyên và nguồn lực đồng thời giảm thiểu chi phí giao dịch trong hoạt động kinh tế, góp phần tăng tính hiệu quả và minh bạch của nền kinh tế.

Quan trọng hơn, 65% doanh nghiệp cho hay có khả năng phục hồi cao hơn sau đại dịch COVID-19 nhờ có kinh tế chia sẻ. Bà Trang cho biết kinh tế chia sẻ không chỉ tạo thêm cơ hội gia tăng thu nhập mà còn mở ra thị trường lao động mới, linh hoạt, từ đó tạo động lực tăng trưởng và tăng năng suất cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME). 

Hơn nữa, việc sử dụng các nền tảng ứng dụng góp phần tăng tính hiệu quả và minh bạch của nền kinh tế, từ đó hỗ trợ cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý và điều hành.

Hạ An