|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đối thủ mới của Grab trên thị trường fintech

14:30 | 21/11/2022
Chia sẻ
Ant Group có nhiều khoản đầu tư fintech tại Đông Nam Á và giờ là lúc "ông lớn" này xâu chuỗi chúng lại với nhau để tạo thành một mô hình kinh doanh ý nghĩa.

Năm 2016, Ant Group đầu tư vào Ascend Money (Thái Lan), công ty vận hành ví điện tử TrueMoney. Đây được xem là khoản đầu tư mở đầu cho làn sóng đầu tư fintech khắp nơi tại Đông Nam Á, theo Tech in Asia.

Trong những năm sau đó, Ant Group lần lượt mua cổ phần tại GCash (Philippines), Dana (Indonesia) và Touch ‘n Go (Malaysia). Điều này ngầm khẳng định tham vọng lớn của Ant Group tại khu vực.

Thế nhưng, mãi gần đây Ant Group mới bắt đầu tìm cách xâu chuỗi các khoản đầu tư của mình với nhau. Alipay+ kết nối các ví điện tử nội địa với các nhà nhà bán hàng ở nước ngoài, từ đó cho phép họ thực hiện các giao dịch xuyên biên giới.

Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể thực hiện thanh toán khi đang ở nước ngoài mà không cần chuyển qua ví điện tử khác. Mặc khác, các nhà bán hàng cũng có thể tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn trong khu vực chỉ bằng một mạng lưới.

Ant Group khẳng định đang có 2,5 triệu đơn vị kinh doanh và 1 tỷ người dùng ví điện tử trên Alipay+, dù chưa rõ bao nhiêu trong số này đang hoạt động.

Alipay+ hiện do mảng kinh doanh quốc tế của Ant Group vận hành và hỗ trợ 15 phương thức thanh toán, rất nhiều trong số này thuộc về các công ty mà Ant Group có cổ phần.

 Đầu tư vào mảng fintech của Ant Group. (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn). 

Mặc dù Alipay+ đã được ra mắt hai năm, Ant Group dường như chỉ thực sự đẩy mạnh nó trong 6 tháng trở lại đây, cùng thời điểm hoạt động di chuyển nước ngoài dần được khôi phục.

Hồi tháng 9, Alipay+ hợp tác với Akulaku để mở rộng dịch vụ mua trước trả sau (BNPL) cho mạng lưới các nhà bán hàng của nó. Một tháng sau đó, Ant Group giới thiệu Alipay+ ở Nhật Bản và tăng số lượng phương thức thanh toán tại nước ngoài được chấp nhận ở Singapore lên con số 6.

“Nếu bạn để ý, Đông Nam Á từng là ưu tiên cao của Ant Group vài lần trong quá khứ, giờ thì nó lại được ưu tiên”, Jianggan Li, người sáng lập và CEO Momentum Works, nói. Ant International “đã thay đổi chiến lược vài lần tại khu vực này”, anh nói với Tech in Asia.

Ông Li nhấn mạnh nhiều công ty trong danh mục của Ant Group được hưởng lợi từ sản phẩm, vận hành và công nghệ của Ant Group vào những ngày đầu. Tuy nhiên, vai trò của “ông lớn” công nghệ Trung Quốc này ngày càng giảm. Thực tế này khiến Ant Group phải “liên tục tạo ra các sáng kiến mới” để đảm bảo giá trị của mình.

Bên cạnh đó, đợt IPO hụt và việc đang bị kiểm soát chặt chẽ tại quê nhà khiến Ant Group phải nghĩ đến việc tại ra các nguồn doanh thu mới.

"Không chỉ là một siêu ứng dụng khác"

Alipay+ chính xác là gì? “Nó không phải là một siêu ứng dụng khác mà chúng tôi đang ra mắt trên toàn cầu”, Angel Zhao, chủ tịch mảng kinh doanh quốc tế của Ant Group, chia sẻ tại sự kiện Singapore Fintech Festival diễn ra hồi tháng 11.

Dù vậy, với việc là một giải pháp xuyên biên giới, Alipay+ có thể là một bệ đỡ cho các ứng dụng với tham vọng như vậy.

 Một khách hàng đặt đồ và thanh toán qua của hàng số Huggs trên ứng dụng Chope. (Ảnh: Ant Group). 

Ở Đông Nam Á, không có nhiều ví điện tử, có lẽ trừ Grab, có tính ứng dụng xuyên biên giới ở quy mô lớn đến vậy.

Một ví điện tử, ứng dụng ngân hàng hoặc dịch vụ BNPL có thể dùng được ở các quốc gia khác nơi Alipay+ được chấp nhận mà không cần phải xin giấy phép hoạt động ở các thị trường này. Ví dụ, người dùng GCash có thể thanh toán dịch vụ taxi ComfortDelGro ở Singapor bằng đồng Philippines peso.

Đổi lại, Alipay+ thu phí cho mọi giao dịch được thực hiện thành công. Tỷ giá cho các giao dịch được thực hiện tại nước ngoài do Alipay+ xử lý được lấy theo tỷ giá liên ngân hàng. Điều này khiến nó cạnh tranh hơn so với các thẻ hỗ trợ nhiều loại tiền như YouTrip hay Wise.

Thông qua giải pháp marketing của Alipay+, một nhà bán hàng ở Malaysia có thể cung cấp các voucher điện tử cho người dùng quốc tế của các ví điện tử là đối tác của Alipay+. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể mở rộng tập khách hàng của mình.

 (Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn). 

Tháng này, Ant Group ra mắt Alipay+ D-store, dịch vụ cho phép các đơn vị kinh doanh xây dựng cửa hàng số trên nhiều nền tảng số khác nhau – từ ví điện tử và siêu ứng dụng cho tới các sàn TMĐT – dưới hình thức một “chương trình mini”.

Các nhà bán hàng có thể tuỳ biến giao diện và trải nghiệm trên cửa hàng D-stores của mùnh. Khác với việc niêm yết trên một sàn TMĐT truyền thống, các nhà bán hàng sở hữu toàn bộ dữ liệu trên D-stores của mình, ví dụ như khách hàng của họ là ai và họ đang đặt mua những gì.

 Cửa hàng D-stores của Huggs trên Chope. (Ảnh: Chope). 

“Nhìn chung, điều này tạo ra nhiều cơ hội để có thêm doanh số, tiếp cận thêm khách hàng và cảu tiến trải nghiệm” cho khách hàng, Lee Haoming, giám đốc điều hành của Huggs nói. Chuỗi cà phê này đã mở một cửa hàng D-store trên nền tảng công nghệ ngành hàng F&B Chope thay vì xây ứng dụng di động riêng.

Khách hàng của Huggs có thể đặt hàng và thanh toán qua D-Store trên ứng dụng Chope, hoặc thậm chí có thể đặt trước cà phê. Với việc hỗ trợ phát triển về kĩ thuật, Alipay+ thu phí đăng ký sử dụng từ các thương hiệu sử dụng D-store.

Tăng trưởng bằng mọi giá

Việc tập trung vài giao dịch xuyên biên giới làm dấy lên câu hỏi liệu Alipay+ có thể tăng quy mô tới mức nào.

“Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu phần trăm những người thường xuyên thanh toán quốc tế nhưng lại không dùng thẻ tín dụng”, ông Li nói.

Alipay+ cũng phải “đối mặt” với các dự án thanh toán quốc tế thông qua ứng dụng ngân hàng mà một số quốc gia đang thử nghiệm. Liệu Alipay+ có thể thành công? Điều này có thể phụ thuộc vào việc Ant Group đang đặt mức độ ưu tiên cho nó đến mức nào.

Ông Jia của Ant Group nói rằng có lợi nhuận không phải ưu tiên hàng đầu đối với Alipay+ ở thời điểm hiện tại. “Điều quan trọng hơn với chúng tôi là mở rộng mạng lưới các nhà bán hàng và thu hút thêm các đối tác thanh toán số có chung chí hướng”, ông nói thêm.

Thái Sơn